TPHCM:

Bệnh sởi tăng đột biến, trẻ cần được chủng ngừa

(Dân trí) - Hàng chục trường hợp mắc sởi ở trẻ em từ các tỉnh thành khác nhau đã được ghi nhận tại các bệnh viện Nhi đồng. Ngành y tế cảnh báo, bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng, người dân phải chú ý các biện pháp phòng ngừa.

Bệnh tăng đột biến

Tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tiếp phát hiện và điều trị cho nhiều trẻ có triệu chứng sốt, nổi phát ban. Kết quả xét nghiệm 25 bệnh nhi cho thấy có 15 bé dương tính với bệnh sởi. Trong nhóm bệnh nhi trên, có 1 trẻ ngụ tại TPHCM số còn lại rải rác ở các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam. Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận 3 trường hợp được chuyển đến từ các tỉnh lân cận.

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ lây lan nhanh
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ lây lan nhanh

Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, tính đến hết tháng 8/2018 trên địa bàn đã có tổng cộng 5 trường hợp mắc sởi ở 5 quận huyện gồm, quận 2, quận 6, quận 8, Phú Nhuận, ca bệnh mới được phát hiện tuần qua ngụ tại huyện Hóc Môn. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, không có mối liên hệ về mặt dịch tễ với nhau.

Trước tình hình chỉ trong thời gian ngắn, trẻ mắc sởi liên tiếp được phát hiện tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố nhận định: “Đây là tình trạng tăng đột biến ca sởi tại bệnh viện tuyến cuối của miền Nam. Hầu hết các bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi. Số ca bệnh nhập viện đến từ các tỉnh miền Nam, chủ yếu là miền Đông Nam Bộ, điều đó cho thấy bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng”.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Thời tiết mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi lây lan trong cộng đồng, nguy cơ gia tăng số ca bệnh trong thời gian tới. Mặt khác, số ca mắc sởi ghi nhận tại các bệnh viện cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị.

Để chủ động ứng phó, đẩy lùi bệnh sởi, Sở Y tế TPHCM đã có công văn hướng dẫn các bệnh viện nhi thực hiện các bước kiểm tra, phát hiện ca bệnh, chẩn đoán xác định và phân luồng cách ly điều trị sớm ca bệnh, thực hiện các biện pháp sát khuẩn phòng bệnh, theo dõi lâm sàng những ca tiếp xúc với bệnh nhân.

Mặt khác, Sở Y tế cũng đề nghị các bệnh viện tăng cường công tác chuyên môn, chủng ngừa sởi cho cán bộ, nhân viên y tế công tác tại các khoa bệnh có nguy cơ cao do tiếp xúc với bệnh nhân; khuyến cáo khuyến cáo bệnh nhân và thân nhân đi chủng ngừa sởi; đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị.

Rửa tay thường xuyên là giải pháp đơn giản giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm sởi
Rửa tay thường xuyên là giải pháp đơn giản giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm sởi

Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong. Thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm tạo điều kiện cho những virus phát triển. Bệnh thường xuất hiện mang tính chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm một lần khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt bao phủ.

Giai đoạn năm 2013 đến 2014 dịch sởi xảy ra trên diện rộng chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp trong những năm trước và những vùng có biến động dân cư cao. Nếu theo tính chu kỳ thì năm 2018 được cảnh báo sẽ là năm sởi bước vào giai đoạn gia tăng trở lại, nguy cơ bùng phát dịch.

Khi sởi xuất hiện nhóm trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng gặp nhiều nguy hiểm. Trẻ sẽ bị sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể thường đối mặt với biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm phế quản và viêm não… nguy cơ tử vong. Trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A trầm trọng có thể dẫn đến mù.

Trẻ cần được chủng ngừa

Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo, các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi vắc xin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.

Trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh
Trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh

Trường hợp trẻ trên 9 tháng vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 1 hoặc trẻ trên 18 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 2 phải khẩn trương đưa trẻ ra Trạm Y tế phường - xã để được khám, tư vấn tiêm bù cho trẻ, càng sớm càng tốt. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp, sốt hoặc phát ban.

Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ, đồng thời tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Vân Sơn