Bệnh quai bị: Nhập viện chủ yếu là người lớn

(Dân trí) - Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, từ đầu năm đến nay đã có 40 ca phải nhập viện điều trị vì quai bị, trong đó một nửa có biến chứng viêm tinh hoàn.

Bệnh quai bị: Nhập viện chủ yếu là người lớn
Tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh tại Phòng tiêm chủng BV Bệnh  Nhiệt đới T.Ư.Ảnh: H.Hải
 
Đang nằm theo dõi biến chứng viêm tinh hoàn tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, anh N.D.H (Khoái Châu, Hưng Yên) rất ngại khi tiếp xúc với phóng viên và đề nghị giấu tên, giấu mặt.
 

“Mình 25 tuổi, chưa lập gia đình. Khi bị quai bị và thấy tinh hoàn sưng tấy mới vào viện khám và bác sĩ bắt nhập viện theo dõi. Mình rất lo lắng, bởi biến chứng viêm tinh hoàn có xác xuất liên quan với vô sinh rất nhiều sau này. Mà biến chứng này phải theo dõi lâu dài sau đó mới khẳng định được”.

 

Ngay cạnh giường bệnh anh H cũng có nhiều bệnh nhân nam khác đều rất trẻ, khuôn mặt cũng đầy lo lắng. Ai cũng chủ quan, không nghĩ chỉ vì đau sưng má mà lại chạy đến tận tinh hoàn và  có thể gây biến chứng vô sinh sau này.

 

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, khác với mọi năm, trong 40 ca quai bị nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay, có 60 - 70% là người trưởng thành và 50% trong số này có biến chứng viêm tinh hoàn (nam giới), còn lại viêm buồng trứng ở phụ nữ, viêm tụy và biến chứng nặng nhất là viêm não.

 

“Biến chứng nào đều có nguy cơ riêng của nó. Như viêm tinh hoàn thì đã rõ, có thể gây vô sinh. Còn biến chứng viêm tụy cấp, điều trị hiệu quả nhưng sau này người bệnh có nguy cơ tiểu đường do tuyến tụy bị ảnh hưởng trong việc tiết ra insulin. Rồi biến chứng viêm não có thể gây rối loạn ý thức, sốt cao, co giật, rối loạn hành vi và đều phải nằm viện điều trị. Dù viêm não do vi-rút quai bị (giống như viêm não của sởi, rubella) nhiều ca rất nặng vẫn được cứu sống nhưng thời gian nằm viện rất lâu, tốn kém (trung bình điều trị 3-4 tuần) và phải theo dõi ít nhất 5 năm sau về các di chứng của nó”, TS Kính nói.

 

Để phòng biến chứng viêm tinh hoàn khi bị quai bị, người bệnh cần nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, không vận động mạnh và mặc quần nâng đỡ tinh hoàn. Còn khi có dấu hiệu viêm thì tốt nhất nên vào viện để được theo dõi.
 

Không chỉ riêng bệnh quai bị mà ở thời điểm hiện tại, nhiều bệnh khác như sởi (98% trường hợp trong vụ dịch 2009), thủy đậu, rubella đến tay chân miệng cũng đều xuất hiện ở người lớn.

 

Giải thích điều này, TS Kính cho biết, các bệnh này ngày càng ít gặp ở trẻ dưới 10 tuổi do nhóm đối tượng này đã được tiêm vắc-xin. Ngoài ra, đáp ứng miễn dịch theo thời gian sẽ bị suy giảm, trong khi yếu tố cảm nhiễm từ môi trường (trong vùng dịch, loại vi-rút đang lưu hành nhiều) lại tăng cao, nên gây biểu hiện bệnh dù đã được tiêm phòng.

 

Để phòng hiệu quả người dân nên tiêm vắc-xin theo đúng lịch hẹn của thầy thuốc. “Phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh. Dù biến chứng không phải ai cũng gặp, nhưng xác xuất nào rơi vào mình lại rất khó biết”, TS Kính khuyến cáo. Cụ thể, như bệnh uốn ván, trước đây 90% là tử vong, nay điều kiện y tế tốt hơn, 99% người bệnh được cứu sống.

 

Ngoài ra, chi phí cho tiêm phòng cũng rẻ hơn rất nhiều so với phí điều trị. Ví như chi phí cho khoảng 1-2 tháng nằm viện trị uốn ván sẽ ngốn của người bệnh khoảng 100 triệu. Trong khi đó, nếu đi tiêm huyết thanh và vắc xin ngừa uốn ván khi có tổn thương dễ nhiễm trùng, người bệnh không tốn hơn quá 100 ngàn đồng cho hai mũi tiêm. Ngay với quai bị, sởi, rubella cũng vậy, chi phí một mũi tiêm thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị biến chứng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm