Bệnh ở tai: Nặng vì chủ quan

“Khoa Tai Thần kinh đã từng có trường hợp cấp cứu một bệnh nhân dùng ống thuốc kháng sinh dạng nước đổ trực tiếp vào tai để chữa bệnh”, BS. Lương Hồng Châu, Phó giám đốc - Trưởng khoa Tai thần kinh (BV Tai Mũi Họng TƯ) cảnh báo.

 

Bệnh ở tai: Nặng vì chủ quan - 1

Bệnh nhân Nguyễn Quang Cường đang điều trị bệnh viêm tai trụ tại bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ

Từ tai nạn đến vệ sinh không đúng cách

 

“Tôi bị viêm tai trụ 40 năm, suốt ngày trong tai có nước, mủ vàng chảy ra. Chữa nhiều nơi mà không thấy khỏi. Có lúc đỡ được thời gian nhưng sau tai lại chảy nước, chảy mủ vàng như thường”, ông Nguyễn Quang Cường, 50 tuổi ở La Phù (Hà Đông- Hà Nội) cho biết. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị viêm tai đối với người lớn tuổi mà chúng tôi gặp tại bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ Hà Nội.

 

Ông Cường kể, ngay từ lúc 10 tuổi ông đã mắc chứng ù một bên tai phải, nghe không rõ nhưng vì nhà chưa có điều kiện nên không đi khám và chữa được. Trong vài tháng trở lại đây tình trạng tai ông có vẻ nặng hơn xuất hiện mủ có máu chảy kèm theo trong tai.

 

Cô Phùng Thị Xuân, 49 tuổi (Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc) cho biết tai cô nhức kèm theo ù trong một lần bị tai nạn giao thông ngã đập một mé bên tai trái xuống đường,

 

“Đi khám tư ở quê, bác sỹ nói đã thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, vẫn hy vọng có bài thuốc nào đó để chữa khỏi và được người mách đi cắt thuốc nam (lá, rễ cây) về để sắc uống và rắc vào tai. Sự hiệu nghiệm chẳng thấy đâu mà tai lại chảy nước càng nặng thêm”, Cô Xuân kể lại.

 

Theo TS Lương Hồng Châu, các bệnh về tai ở người lớn tuổi thường xuất hiện vào độ tuổi trên 35. Vào tuổi này, người bệnh thường có biểu hiện kém thính, nghe không rõ (Lão thính). Nhiều trường hợp điếc do không quan tâm tới việc vệ sinh các cơ quan trong đó có thính giác.

 

Cấp cứu vì tự đổ thuốc vào tai

 

Tại khoa Tai Mũi Họng, BV Bạch Mai Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thủy, 51 tuổi (Tam Dương - Vĩnh Phúc) đã hơn 15 năm làm việc với máy cưa gỗ, xuống Hà Nội tiếp xúc với tiếng ồn nhiều và cường độ lớn nên giờ cũng trong tình trạng bị ù tai, thi thoảng không nghe được hoặc nghe cứ như nước chảy trong tai.

 

 “Hàng ngày tôi vẫn vệ sinh tai bình thường bằng tăm bông khi tắm xong, nhưng được 5 - 6 năm lại đây thấy tai khó chịu, ù tai khó nghe quá nên mới vào viện khám xem thế nào. Thời gian đầu bị ù tai, tôi làm theo cách “cổ truyền” là lấy thuốc đông y để chữa, được hơn 4 năm rồi mà vẫn chưa thấy khỏi”, ông Thủy cho biết.

 

TS. BS Lương Hồng Châu khuyến cáo, tuyệt đối bệnh nhân không được cho bất cứ lá cây hay cây dại rắc vào tai hoặc thuốc kháng sinh dạng nước nào mà chưa có sự chỉ dẫn của bác sỹ thì không được dùng. Tai có thể bị viêm nhiễm nặng hơn khi tiếp xúc với thuốc chưa qua kiểm duyệt và khử trùng.

 

Thực tế đã có nhiều trường hợp bị viêm tai, nước mủ chảy ra nhưng vì tin vào thần thánh dùng mẹo để chữa, có khi còn đổ cả sáp ong vào tai với mục đích là bịt không cho dịch chảy ra.

 

"Dùng sáp ong trong điều trị bệnh viêm tai hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, đổ sáp như thế sẽ bịt mất đường dẫn lưu của mủ ra khỏi tai, mủ không chảy được ra ngoài sẽ chảy vào trong gây nên viêm màng não và áp xe não dẫn tới tử vong.

 

Khoa Tai Thần kinh đã từng có trường hợp cấp cứu một bệnh nhân dùng ống thuốc kháng sinh dạng nước đổ trực tiếp vào tai để chữa bệnh," BS. Châu cảnh báo.

 

Theo Xuân Trung

Khoa học & Đời sống