Cần Thơ:

Bệnh nhi bị "mất mũi" vì bác sĩ tuyến dưới không chẩn đoán ra bệnh ung thư

(Dân trí) - Một cháu bé 12 tuổi, cách đây hơn 4 tháng bị một mụn nhỏ trong lỗ mũi, kèm theo thỉnh thoảng chảy máu cam. Nhưng diễn biến bệnh nhanh, ở xã bác sĩ chưa có kinh nghiệm điều trị nên khi chuyển lên tuyến trên thì khuôn mặt của cháu đã không còn nguyên vẹn.

Cháu Trương 12 tuổi ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, Long Phú, Sóc Trăng bị biến dạng khuôn mặt do ung thư hốc mũi
Cháu Trương 12 tuổi ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, Long Phú, Sóc Trăng bị biến dạng khuôn mặt do ung thư hốc mũi

Đó là trường hợp cháu Huỳnh Ly Trương (12 tuổi ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, Long Phú, Sóc Trăng) với khuôn mặt sức húp, mũi không còn nguyên vẹn, ăn uống, nói chuyện hết sức khó khăn. “Bệnh lạ” đang ăn vào phần mắt, lan ra gần hết khuôn mặt. Cháu chỉ còn nhìn thấy người khác bằng mắt phải, sức khoẻ của cháu yếu không đi lại được.

Em Huỳnh Thị Hồng Đào, (chị gái của cháu Trương) kể lại, cách đây chừng 4 tháng, trong lỗ mũi trái của cháu Trương có một mụn nước nhỏ, và hay bị chảy máu cam, có khi chảy 3 đến 4 lần trong ngày. Thấy vậy, gia đình đưa cháu ra trạm y tế của xã khám và mua thuốc về nhà uống.

Cháu Trương với khuôn mặt biến dạng

“Lúc em Trương bị chảy máu cam, cả nhà không biết em bị bệnh gì. Đưa ra xã khám bác sĩ nói không có gì, rồi cho thuốc về nhà uống. Nhưng chừng 1 tháng sau máu chảy càng nhiều, đưa em lên bệnh viện huyện khám bác sĩ cũng nói không sao rồi cho thuốc về uống. Khoảng 2 tháng sau đó nữa, khuôn mặt của em Trương bắt đầu bị lở loét, mòn dần. Ba mẹ đưa em lên bệnh viện Sóc Trăng thì bác sĩ nói quá nặng rồi sau đó chuyển lên Cần Thơ chữa trị”, Em Đào kể.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Võ Văn Kha – Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết: Cháu Trương nhập viện cách đây khoảng 3 tháng do bị ung thư vùng hốc mũi, hạch lympho không Hodgkin tế bào T ở giai đoạn 3, u lan rộng hết phần mũi, hiện đã truyền hóa chất 3 đợt. Tiên lượng bệnh nặng và phải điều trị lâu dài tại bệnh viện.

Được biết, cha mẹ cháu Trương đều là người dân tộc Khmer, Bà Thạch Thị Sà Phách- mẹ của cháu Trương nói tiếng không rành, nên khi giao tiếp với mọi người xung quanh đều do em Huỳnh Thị Hồng Đào là con gái đầu lòng làm “phiên dịch”. Hoàn cảnh gia đình bà Phách chỉ 5 công ruộng, nhưng đã phải bán hết 2 công để lấy tiền trị bệnh cho cháu Trương với hy vọng “còn nước còn tát”.

Phạm Tâm