TPHCM:
Bệnh nhi 11 tuổi được ghép thận thành công
(Dân trí) - Sau 3 năm mắc chứng thận hư, phải lọc máu liện tục, sức khỏe của bé G. ngày càng xấu đi. Ngày 23/8, nhờ quả thận được người cha hiến tặng, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ghép thành công thận trái cho bé G.
Ca ghép thận cho bé G. được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công
Bé trai N.V.G (11 tuổi, ngụ tại Bình Phước) bị hội chứng thận hư (thận nhiễm mỡ) cách đây 3 năm khi gia đình thấy sức khỏe của bé không tốt.
Từ tháng 8 năm 2008 đến nay, bé G. phải liện tục lọc máu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nếu không được ghép thận thì bé G sẽ phải lọc máu suốt đời. Đầu năm 2010, bệnh của bé G. ngày càng nặng thêm. Quả thận trái gần như mất hết chức năng không thể giữ được đạm nên bác sĩ đã phải cắt bỏ.
Mong muốn mang lại cho con cơ hội sống khỏe, cha của bé là N.V.T (50 tuổi) đã quyết định cho đứa con trai quả thận trái của mình. Kết quả xét nghiệm cho thấy thận của người cha đáp ứng được các chỉ số cơ địa của đứa con trai. Sáng ngày 23/8 sau khi hội chẩn, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ca phẫu thuật.
Ca mổ nội soi để lấy thận trái của người cha bắt đầu lúc 10 giờ, đến 2 giờ 30 quả thận được đưa ra ngoài thành công. Cùng lúc đó quả thận trên được tiến hành ghép cho bé G. Sau gần 2 tiếng khẩn trương quả thận của người cha đã được ghép thành công vào hố thận trái của bé G.
Theo BS Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Hội chứng thận hư thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi, tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng này”.
Được biết đây là ca ghép thận thứ 7 tiến hành thành công tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau mổ, quả thận mới của bé G. đã bắt đầu có nước tiểu. Cũng như những trường hợp trước, bé G. sẽ phải điều trị bằng thuốc chống thải ghép suốt đời.
Cứu sống bệnh nhi bị tăng áp động mạch phổi nặng
Bé N.T.D.K. (2 tuổi, Cà Mau) được chuyển đến Nhi Đồng 1 với chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh thông liên thất phần màng (8,5mm) khiến luồng máu giữa hai ngăn tim trái và tim phải thông với nhau, gây biến chứng tăng áp động mạch phổi nặng.
Kết quả siêu âm cho thấy áp lực động mạch phổi tăng lên đến 105mmHG (trung bình 75mmHg) Tiếp tục thực hiện thông tim, bác sĩ ghi nhận tim của bệnh nhi có luồng máu thông hai chiều, khi từ trái sang phải lúc từ phải sang trái.
Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng tăng áp động mạch phổi nặng sẽ làm luồng máu thông bị đảo chiều hoàn toàn trở thành từ phải sang trái. Khi đó, bệnh nhân sẽ không còn khả năng phẫu thuật. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật cho bé K.
Tuy nhiên, trong thời gian đang chuẩn bị phẫu thuật, em đột ngột có những dấu hiệu xuất huyết ngoài da, chảy máu lưỡi và răng, tiểu cầu giảm nặng do bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
Lượng tiểu cầu quá thấp, không thể cầm máu được nên K. buộc phải hoãn mổ. Sau nhiều ngày điều trị tích cực lượng tiểu cầu trở về bình thường, bệnh nhi mới được tiến hành phẫu thuật cho em.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã vá thành công lỗ thông liên thất, chặn đứng tình trạng luồng máu lưu thông giữa tim trái và phải. Áp lực động mạch phổi của K. sau mổ cải thiện tốt. Chức năng co bóp của tim hoạt động bình thường như những trẻ khác, không có biến chứng xuất huyết xảy ra.
Hiện tình trạng sức khỏe của em dần ổn định và đang chờ ngày ra viện.
Vân Sơn