Bệnh nhân ung thư ngoại trú loay hoay khi Bệnh viện K phong tỏa

VTV.vn - Nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú hoang mang và lo lắng bởi ung thư được coi là " án tử" nếu không tuân thủ phác đồ điều trị.

Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân. Thế nhưng, do ghi nhận 11 ca mắc Covid-19 nên bệnh viện đã tiến hành phong tỏa cả 3 cơ sở để đảm bảo công tác chống dịch. Đồng thời, bệnh viện thông báo: "Không tiếp nhận bệnh nhân mới, trừ cấp cứu đặc biệt".

Bệnh nhân ung thư ngoại trú loay hoay khi Bệnh viện K phong tỏa - 1

Vượt chặng đường hơn 100km ra Hà Nội để khám bệnh nhưng một người đến khám bệnh chỉ biết "bần thần" nhìn bệnh viện từ xa.

Bệnh nhân chia sẻ: "Đường xá xa xôi, ra đến đây vừa tờ mờ sáng. Đến cổng bệnh viện thấy đang phong tỏa nên chúng tôi không thể vào thăm khám, biết làm sao được".

Bệnh nhân ung thư ngoại trú loay hoay khi Bệnh viện K phong tỏa - 2

Còn một bệnh nhân khác bị mắc ung thư vòm họng cách đây 6 tháng và hiện đang điều trị ngoại trú. Theo lịch hẹn của bác sĩ, hôm nay là buổi truyền hóa chất thứ 5 nhưng do bệnh viện phong tỏa nên bệnh nhân không thể nhập viện, đành ở lại phòng trọ để chờ đợi.

Người nhà bệnh nhân cho biết vì đang trong giai đoạn truyền hóa chất, sợ ảnh hưởng đến bệnh, hơn nữa, do ở vùng dịch nên cũng không muốn về quê.

Đi không được mà ở cũng không xong, rất nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị ngoại trú lo ngại về sự gián đoạn sẽ khiến bệnh tăng nặng bởi cũng không thể chuyển sang viện khác để điều trị theo một liệu trình khác được.

Bệnh nhân ung thư ngoại trú loay hoay khi Bệnh viện K phong tỏa - 3

Bệnh viện K hiện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19.
 

 

Bên cạnh những trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở lại, theo khảo sát tại tổ dân phố 15, Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông có khoảng 70% những người không trong diện cách ly đã vội vã về quê. Dù ở lại hay ra về, điều lo lắng nhất của họ lúc này là giải pháp cho việc điều trị.

Lường trước thời gian phong tỏa có thể kéo dài nên bệnh viện đã chuẩn bị sẵn các phương án.

TS.BS. Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết: "Hệ thống telehealth hoạt động 24/24h. Tất cả những bệnh nhân này nằm trong số 70% bệnh nhân ngoại trú đều có số điện thoại liên hệ với bác sĩ điều trị. Chúng tôi đã hướng dẫn đầy đủ và thuận lợi tới các cơ sở điều trị ung thư ở địa phương để tiếp tục quy trình điều trị.

Đối với những người bệnh đang ở ngoại trú quanh bệnh viện, các bác sĩ điều trị đã chủ động trực tiếp liên hệ, hướng dẫn cho các bệnh nhân. Trong trường hợp cần phải điều trị, chúng tôi cũng hướng dẫn đầy đủ quy trình diễn biến tác dụng phụ của thuốc ra sao".

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân ung thư không nên hoang mang, lo lắng dễ gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.