Bệnh nhân sỏi thận có nên kiêng ăn tôm, cua?
(Dân trí) - Gần như 100% bệnh nhân sỏi thận đều trả lời là nên hạn chế hoặc không nên ăn tôm cua. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại.
Theo TS. BS. Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), trước đây người ta quan niệm việc ăn các thức ăn có chứa nhiều canxi như tôm, cua, phô mai... sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ lại cho thấy kết quả ngược lại.
Cụ thể, ở những người ăn nhiều thức ăn chứa canxi như tôm, cua, phô mai, sữa... nguy cơ mắc bệnh sỏi thận lại ít hơn những người ăn kiêng. Tuy nhiên, nếu chúng ta uống thuốc canxi (thuốc phòng bệnh loãng xương) thì nguy cơ bị sỏi thận lại cao hơn. Lúc này bệnh nhân cần cân đối giữa bệnh loãng xương và sỏi thận.
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận là bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn. Đây là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Theo thống kê, cứ khoảng 20 người thì có một người bị sỏi tạo thành trong hệ tiết niệu.
Sỏi thận nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm: giãn thận, ứ nước, viêm thận, viêm đường tiết niệu, suy thận, teo thận.
Những người có nguy cơ mắc bệnh là người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.
Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, người thừa cân béo phì, nghiện rượu... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương, người có bệnh cường tuyến phó giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Đặc biệt, người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nếu có những dấu hiệu như đau vùng thắt lưng (có thể đau âm ỉ hoặc đau đột ngột dữ dội, đau chạy từ sau lưng ra đến trước bụng và lan xuống bụng dưới), đi tiểu buốt, rắt, tiểu ra máu…, có thể kèm theo vã mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn... thì cần đi viện khám sớm để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh sỏi thận TS Trung lưu ý người dân cần:
- Uống nhiều nước, trên 2 lít/ ngày, điều này sẽ hạn chế được 50% sỏi tái phát
- Hạn chế ăn mặn
- Uống nước cam, chanh
- Không cần kiêng cua, tôm
- Không ăn nhiều thịt, đặc biệt lưu ý các bệnh nhân bị bệnh gout
- Điều trị các bệnh niệu như nhiễm trùng, bế tắc một cách đúng quy cách do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện vì nhiễm trùng niệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sỏi.
- Người lao động trong điều kiện nóng phải bù đủ lượng nước đã mất qua mồ hôi. Tùy từng trường hợp cụ thể mà lượng nước bù khác nhau, trung bình nên 20 phút làm việc nên nghỉ uống nước một lần (kể cả khi không cảm thấy khát) với tổng số khoảng 1 lít nước trong một giờ lao động. Ngoài ra cần có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh nhịn tiểu quá lâu trong thời gian làm việc.
Nam Phương