Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1: “Tôi không ăn tiết canh vịt”

(Dân trí) - Được một người quen sống tại miền Tây mang lên biếu con vịt xiêm, ông bác họ liền nhờ Sơn làm thịt. “Hôm đó, không làm món tiết canh sau khi vặt lông, tôi chặt miếng làm món vịt kho sả nhưng chưa kịp ăn thì có việc bận nên phải đi làm”.

Sau nửa tháng được điều trị tích cực tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM ca nhiễm cúm gia cầm thứ 3 trong năm 2012 đã hoàn toàn bình phục. Sau hai ca tử vong liên tiếp tại miền Tây, đây là trường hợp hi hữu mắc phải loại bệnh nguy hiểm này được cứu sống.

Vui mừng khôn xiết pha lẫn với nỗi ám ảnh về loại bệnh mình vừa phải vật lộn để vượt qua, anh Trương Phú Sơn cho biết: “Sau 5 ngày sốt cao liên tiếp, tôi phải dùng đến cả kháng sinh mạnh nhưng không thấy bệnh tình thuyên giảm. Bước sang ngày thứ 5, gia đình chuyển tôi tới bệnh viện Quân Đoàn 4, Bình Dương. Tại đây bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm cúm gia cầm nên tôi tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Sau khi biết kết quả dương tính với H5N1, tôi nghĩ nhiều đến tình huống mình đã làm và chế biến thịt vịt”.
 
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1: “Tôi không ăn tiết canh vịt”
"Nhiễm căn bệnh chết người, tôi rất may mắn vì đã được cứu sống"

Tuy nhiên, anh Sơn đã phủ nhận thông tin mình bị nhiễm cúm gia cầm vì ăn tiết canh bởi: “Hôm đó, sau khi làm và nấu xong, tôi có việc gấp nên phải đi thành thử cũng chưa ăn uống gì. Hơn nữa con vịt bữa đó không làm món tiết canh mà chỉ làm món vịt kho sả. Tất cả những người ăn món vịt hôm đó đều không có vấn đề gì, duy nhất chỉ có tôi nhiễm bệnh, nhiều khả năng tôi đã bị vi-rút tấn công trong quá trình giết mổ và chế biến”.

BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Hiện sức khỏe của bệnh nhân Sơn đã bình phục, dự kiến hôm nay (6/3) chúng tôi sẽ cho bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, tình trạng viêm phổi do cúm A/H5N1 thường để lại những tổn thương khiến phổi bị xơ hóa ít có khả năng phục hồi, do đó sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ phải tái khám mỗi tuần để được theo dõi”.

Nói về sự thành công của việc điều trị đã cứu sống bệnh nhân, BS Thanh trường cho biết: “Người bệnh nhập viện trong tình trạng đã rất nặng, nhưng bệnh viện cố gắng tiến hành hồi sức tích cực liên tục và sử dụng thuốc đặc trị kháng vi-rút. Chúng tôi tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế nên sau 5 ngày hồi sức tích cực xét nghiệm bệnh phẩm đã cho kết quả âm tính, người bệnh dần phục hồi. Nếu nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 cần tiến hành điều trị theo phác đồ càng sớm càng tốt”.

 Vân Sơn

Dòng sự kiện: Dịch cúm A/H5N1