Bệnh nhân ngừng tim ở TPHCM "sống lại" khi về lo hậu sự: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, đã có nhiều trường hợp vì những nguyên nhân khác nhau mà người nhà bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch từ chối điều trị tại tuyến trên, sau đó lại được bệnh viện tuyến dưới cứu sống.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc một người đàn ông tên L.Đ.K. bị nhồi máu cơ tim nặng, đã ngừng tim trước đó, được bệnh viện ở TPHCM cho xuất viện chờ lo hậu sự. Tuy nhiên khi về đến quê nhà, người thân thấy bệnh nhân còn cử động tay chân nên đã đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, và sau đó ông được cứu.

Sau sự việc, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao bệnh nhân đã ngừng tim, sốc tim nặng vẫn sống được sau quãng đường di chuyển dài, và có phải viện phí là lý do chính khiến người nhà từ chối điều trị ở tuyến trên nhưng chấp nhận vào tuyến tỉnh?

Hai khó khăn của bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một bác sĩ có 20 năm kinh nghiệm về can thiệp tim mạch, hiện đang là lãnh đạo khoa Tim mạch một bệnh viện công lập tại TPHCM cho biết, có hai khía cạnh khó khăn trong việc tiếp cận các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.

Khó khăn đầu tiên là ở mặt viện phí. Nếu có bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân thường chỉ trả từ 5-15 triệu đồng. Ngược lại, viện phí điều trị phải tốn kém lên đến 50-75 triệu đồng. Với những người lao động nghèo, đây là số tiền thường vượt quá khả năng, khiến thân nhân bệnh nhân nản chí và có ý định xin về. Điểm đặc biệt của bệnh nhồi máu cơ tim là quyết định điều trị phải tính từng phút, từng giây.

Bệnh nhân ngừng tim ở TPHCM sống lại khi về lo hậu sự: Chuyên gia nói gì? - 1

Một ca nhồi máu cơ tim được can thiệp tại bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Khó khăn hơn là khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã vào ngưng tim, ngưng thở, sốc tim, đe dọa tính mạng nghiêm trọng. Lúc này nếu không có BHYT, chi phí điều trị có thể lên đến cả trăm triệu đồng vì sử dụng các kỹ thuật phức tạp. Nếu không can thiệp, bệnh nhân sẽ tử vong 100%, nhưng can thiệp thì tỷ lệ chết cũng dao động từ 50-70%.

Ở tình huống này, bác sĩ vừa phải đối mặt với việc thất thu viện phí lớn, vừa đứng trước nguy cơ bị người nhà khiếu kiện, nếu chẳng may bệnh nhân tử vong và người nhà cho rằng điều trị sai. Nhất là với những trường hợp trước đó không lâu còn khỏe mạnh bình thường bỗng bất ngờ lên cơ đột quỵ, sẽ dễ đẩy sự bức xúc của người nhà lên cao trào.

Theo chuyên gia, trong tình huống này, ekip điều trị buộc phải có những "nghệ thuật" giải thích đầy đủ, chi tiết, thuyết phục người nhà đồng ý thực hiện và chấp nhận chi trả, vì bệnh viện không có cơ chế nào để lo viện phí trong tình huống này.

Với các trường hợp bệnh nhân không có tiền nhưng tiên lượng cứu sống khả quan, thông thường bệnh viện, bác sĩ sẽ tìm các nguồn mạnh thường quân hỗ trợ, hoặc nhờ truyền thông, báo đài hỗ trợ thông tin kêu gọi. Tuy vậy, đây chỉ là những biện pháp giải quyết tình thế tạm bợ.

Bệnh nhân ngừng tim ở TPHCM sống lại khi về lo hậu sự: Chuyên gia nói gì? - 2

Hình ảnh động mạch vành của bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị tắc (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Vì sao bệnh nhân đã ngừng tim, sốc tim nặng vẫn được cứu sống?

Chuyên gia phân tích, có 2 mạch máu gây ra ngưng tim ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Trường hợp đầu tiên là tắc động mạch liên thất trước (động mạch vành trái). Động mạch này nuôi đến 60-70% khối lượng cơ tim, nên bệnh nhân khó lòng sống nổi khi vào sốc, hoại tử cơ tim không phục hồi.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân tắc động mạch vành phải (có chức năng tạo nhịp tim). Mặc dù bệnh nhân có thể xuất hiện cơn rung thất bất thường gây rối loạn nhịp và ngưng tim, nhưng nếu bác sĩ sốc điện, hồi sức tích cực tốt vẫn có hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng ngưng tim ngưng thở, dù chưa giải quyết được nguyên nhân gốc.

"Trong trường hợp của người đàn ông tên K., tôi cho rằng nhiều khả năng bệnh nhân tắc động mạch vành phải nhưng đã được bệnh viện ở TPHCM hồi sức tốt nên giữ được mạch và huyết áp trong thời gian di chuyển, để bệnh viện tiếp theo có cơ hội can thiệp.

Trong nghề, tôi đã từng nhiều lần sốc điện, hồi sức thành công các trường hợp ngưng tim do tắc động mạch vành phải. Mỗi tháng, khoa của tôi tiếp nhận khoảng 5 ca bệnh dạng này" - chuyên gia chia sẻ.

Trước thông tin người nhà phản ánh giá khi phải can thiệp mạch vành cho ông K. tại bệnh viện ở TPHCM là 1,8 tỷ đồng, chuyên gia nhận định, ở hệ thống y tế công lập hiện nay, chưa có thủ thuật nào lên đến 200 triệu đồng.

Với kỹ thuật can thiệp mạch vành, đặt stent, thông thường ở những ca không có BHYT sẽ tốn từ 55-75 triệu đồng. Nếu tình trạng phức tạp hơn, phải đặt thêm stent khác, viện khí sẽ tăng thêm vài chục triệu đồng. Kể cả ở những bệnh viện tư hàng đầu tại TPHCM hiện nay, giá can thiệp mạch vành mỗi ca chỉ trên dưới 180 triệu đồng.

Do đó, có rất nhiều khả năng người nhà bệnh nhân đã nghe nhầm khi được nhân viên y tế thông báo viện phí dự kiến.

Bệnh nhân ngừng tim ở TPHCM sống lại khi về lo hậu sự: Chuyên gia nói gì? - 3

Đơn xin về do người nhà bệnh nhân viết tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Tâm lý người nhà đóng vai trò quan trọng

Phân tích nguyên nhân vì sao gia đình bệnh nhân đã xin về nhưng sau đó lại đưa người nhà vào bệnh viện khác, chuyên gia chia sẻ, thực tế có những người dân vì kinh tế quá khó khăn, nên ban đầu họ chọn cho bệnh nhân về. Nhưng sau đó, khi thấy bệnh nhân nằm ở nhà vẫn chưa chết, thân nhân lại xuất hiện cảm xúc đau xót, nên đi vay mượn tiền và tìm cách "còn nước còn tát".

Mặc khác, sẽ có những bệnh nhân có nhiều người thân, con cháu với những suy nghĩ, quyết định điều trị khác nhau, nên việc lựa chọn đi tiếp hay bỏ cuộc dễ biến động theo từng thời điểm. Vì vậy, tâm lý người nhà đóng vai trò rất quan trọng.

"Tôi từng tiếp nhận những trường hợp người nhà bệnh nhân trước đó từ chối can thiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi hỏi chuyện, họ nói ban đầu nghe viện phí cao, tỷ lệ tử vong đến 50-60% trong khi bệnh nhân đã cao tuổi sức yếu, nên quyết định đưa về chờ chết. Nhưng khi đem về thấy người nhà còn thoi thóp, họ lại không đành lòng và đưa ngược vào bệnh viện gần nhà.

Sau đó, bệnh nhân sống được thêm 5 năm và người nhà cảm ơn tôi. Nhưng tôi nói với họ, mình chỉ là người may mắn thực hiện đúng lúc. Chính các bác sĩ tuyến trước kéo được tim cho bệnh nhân còn đến được với tôi mới là những người cần phải cảm ơn" - nguồn tin trên kể.

Bệnh nhân ngừng tim ở TPHCM sống lại khi về lo hậu sự: Chuyên gia nói gì? - 4

Chuyên gia cho biết, đã có những trường hợp bệnh viện tuyến dưới can thiệp thành công cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim, sau khi tuyến trên trả về (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Chuyên gia nhận định, hành lang pháp lý trong các trường hợp cấp cứu ngưng tim tại hệ thống y tế công lập còn chưa chặt chẽ, nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.

Trong khi đó, tại nước ngoài hay các bệnh viện tư, sau khi bác sĩ đã giải thích đầy đủ và người nhà đã quyết định hay từ chối điều trị sẽ được yêu cầu ký vào văn bản có nội dung chi tiết, rõ ràng về các thủ thuật, chi phí. Thậm chí ở nhiều nơi, khi bệnh viện làm việc với người nhà còn được ghi âm lại.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chủ động mua BHYT, vì với những trường hợp nhồi máu cơ tim nặng, nếu không có bảo hiểm thì sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, chuyên gia mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm cho các trường hợp nhồi máu cơ tim, ngừng tim hoàn cảnh khó khăn.