1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân “nghi truyền nhầm máu” đã được xuất viện

(Dân trí) - Sau hơn 3 tuần điều trị, sản phụ Nguyễn Thị Loan đã qua cơn nguy kịch, được xuất viện chiều 15/11 trong tình trạng sức khỏe ổn định. Nữ bệnh nhân này đã được truyền 5,1 lít máu (lớn hơn cả lượng máu cơ thể), rối loạn đông máu, suy tạng rất nguy kịch.

Trước đó, ngày 22/10/2013, sản phụ Nguyễn Thị Loan được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, trong tình trạng hôn mê, sốc mất máu, huyết áp không đo được, bệnh nhân mất nhiều máu do rối loạn đông máu nặng và đã xuất hiện suy đa tạng.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do rối loạn đông máu nặng biến chứng suy đa tạng tăng kali máu, toan chuyển hóa nặng ở bệnh nhân thai 39 tuần - rau tiền đạo trung tâm (đã mổ lấy thai và cắt tử cung). Với quyết tâm cứu bằng được người bệnh, hàng ngày, dưới sự Chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc, phối hợp liên tục 24/24 giờ, Khoa Hồi sức tích cực đã tiến hành hội chẩn liên khoa, tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện ngày 15/11.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện ngày 15/11.

Trước đó, ngày 21/10/2013 sản phụ Loan chuyển dạ đẻ và được chỉ định mổ cấp cứu tại Bệnh viện Sơn Tây vì rau tiền đạo. Sau khi mổ, bệnh nhân bị chảy máu âm đạo nhiều, dẫn đến sốc mất máu phải truyền nhiều máu. Số lượng máu bệnh nhân được truyền lên tới 5,1 lít máu nhóm B. Đáng nói, sau khi được chuyển lên BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu, kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy bệnh nhân mang nhóm máu AB, khiến gia đình bệnh nhân bức xúc, cho rằng chính tình trạng truyền nhầm máu làm bệnh nhân thêm nguy kịch.

Tại thời điểm nhập viện Bạch Mai, kết quả test nhanh cũng cho thấy bệnh nhân mang nhóm máu AB. Tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân Loan, kết quả xét nghiệm máu bệnh nhân cũng mang nhóm AB. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, các chuyên gia BV Bạch Mai khẳng định bệnh nhân mang nhóm máu B và quyết định điều trị bằng cách truyền khối hồng cầu nhóm máu B cho bệnh nhân này.

Vậy vì sao, kết quả định máu nhanh tại BV Phụ sản Hà Nội và BV Bạch Mai tại thời điểm bệnh nhân nhập viện lại cho ra nhóm máu AB? Trả lời câu hỏi này, TS Hùng cho biết, kết quả xét nghiệm tại thời điểm tiếp nhận BN cho ra nhóm máu AB cũng không phải là kết quả sai. Bởi trên một bệnh nhân được truyền máu với số lượng lớn (5,1 lít máu, lớn hơn cả lượng máu có của cơ thể, từ 3,5 - 4 lít máu) với số lượng máu rất lớn không được tách riêng hồng cầu và huyết tương thì việc định nhóm máu không còn chính xác. Ngoài ra, còn có khả năng trong y văn cũng từng ghi nhận (dù tỉ lệ rất thấp), con mang máu A, mẹ máu B, trong khi chuyển dạ, 1 lượng máu của con đã xâm nhập vào cơ thể mẹ nên xuất hiện nhóm máu AB.

“Thực tế, bệnh nhân mang nhóm máu B và trong suốt quá trình điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được truyền hồng cầu, tiểu cầu… nhóm B và đã bình phục”, TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết.

Sản phụ Loan ngày ra viện cũng xúc động không cầm được nước mắt, bày tỏ sự cảm ơn các y, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã hết lòng cứu chữa, để chị có cơ hội được gặp đứa con dứt ruột đẻ ra. “Từ khi lọt lòng, chưa được một lần nhìn thấy con, chưa được ôm con, chưa được cho con ngậm bầu vú mẹ… Đây lại là đứa con duy nhất mình có thể sinh nở được, nên với mình, qua khỏi nguy kịch này ý nghĩa lắm. Chỉ biết bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các y, bác sĩ”, chị Loan xúc động nói.

Hồng Hải