Bệnh nhân lười rửa tay khi tới bệnh viện

(Dân trí) - Ngồi đợi chụp X-quang tại BV Bạch Mai, mẹ con chị Nguyễn Liên Phương (Nam Định) thản nhiên uống sữa, ăn bánh mì. Khi được hỏi đã rửa tay trước khi ăn, chị thật thà: “Vì phải nhịn ăn thử máu nên đói quá, không kịp nghĩ đến cả việc rửa tay…”.

Thông tư 18 Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 1/12/2009, bắt buộc người nhà bệnh nhân khi vào viện và nhân viên y tế thường xuyên rửa tay giảm tình trạng lây chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại nhiều bệnh viện đều đã trang bị dung dịch rửa tay nhanh, có bồn rửa tay… nhưng không mấy người bệnh tự giác rửa tay, dù cả ngày đi lại khắp nơi trong bệnh viện.

Cả ngày, rửa một lần trước ăn

Từ Khoái Châu, Hưng Yên, chị Nguyễn Thu Hằng đưa mẹ và em tới BV Bạch Mai khám bệnh từ lúc 6h sáng. Cả buổi chờ đợi, đi hết khoa nọ phòng kia để khám, chiếu chụp, quá bận rộn nên chị cũng chẳng nghĩ gì tới việc rửa tay. Những lần đi vào nhà vệ sinh ra cũng định rửa nhưng lại phải vội chạy vì mùi kinh khủng bốc ra. Mãi tới trưa, khi ra hàng cơm bụi mua đồ ăn, chị mới tranh thủ rửa tay. Còn mẹ và cậu em trai 3 tuổi chỉ dùng tí nước lọc rửa tay qua loa khi chị mang cơm về. Còn từ đó đến chiều muộn, cả 3 người nhà chị Hằng chưa ai rửa tay thêm lần nào, bàn tay cậu em lem đất, nhem nhuốc.
 
Bệnh nhân lười rửa tay khi tới bệnh viện - 1
Bàn tay lem bẩn của em trai chị Hằng sau một ngày ở bệnh viện (Ảnh: H.Hải)

Chị Hằng nói, biết là tay bẩn nhưng ngại rửa ở nhà vệ sinh, vì thế, khi cho em ăn vặt cái gì, chị đều bắt em “lót” tay bằng túi gói của thực phẩm. Chị nói, cũng nhìn thấy những cái hộp treo trên tường, nhưng chị chẳng biết đó là cái gì.

Còn tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), chúng tôi gặp anh Vương đến từ Ninh Bình. Hỏi về việc rửa tay, anh nói: “Từ lúc vào viện, tối mắt tối mũi, hết chạy đi lấy phim, kết quả xét nghiệm, đi đóng viện phí, ăn còn chẳng kịp nữa là rửa tay”.

Tại bệnh viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới TƯ, các bình dung dịch xịt rửa tay nhanh được trang bị nhiều ở hành lang nhưng cũng chủ yếu là nhân viên y tế sử dụng, còn người bệnh, người nhà bệnh nhân, rất ít người ra rửa tay tại những bình xịt này. Theo bà Phương (Đông Anh, Hà Nội) đang chăm bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, chỉ khi cho con đi vệ sinh, bản thân có nhu cầu tiểu tiện, thay quần áo, bà mới ra nhà vệ sinh để... đổ, rửa bô. Còn bình thường, ngay cả khi mang cơm về bón cho con, bà cũng chẳng khi nào ướt tay vì theo lời bà: “Ngồi không cả ngày, có làm gì đâu mà sợ tay bẩn”.

Còn tại BV Nhi TƯ, ở mỗi phòng bệnh đều có bồn nước rửa tay, dung dịch rửa tay. Theo quan sát của phóng viên Dân trí tại một phòng bệnh của khoa Ung bướu, rất ít người nhà khi đến thăm bệnh nhân sử dụng đến chúng. Họ chỉ dùng đến khi rửa hoa quả, rửa tay, rửa miệng sau ăn. Còn người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhi thì ý thức vệ sinh cao hơn, sau khi rửa tay với nước đều dùng dung dịch sát khuẩn nhanh này.

Trong khi đó, đã có nhiều nghiên cứu khẳng định, bàn tay chính là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho con người. Ở trong môi trường bệnh viện, bàn tay càng phải tiếp xúc với nhiều vi khuẩn độc hại, việc không thường xuyên rửa tay chính là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, lây truyền bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến nhiều người nằm viện điều trị bị lây chéo các bệnh khác. Ngay cả người khoẻ mạnh, vào chăm sóc người ốm cũng bị lây nhiễm bệnh theo (nhất là với các loại bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, hô hấp).

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện vào 2006-2007 tại 62 bệnh viện ở miền Bắc thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại tuyến tỉnh, thành phố là cao nhất 8,3%, sau đó là tuyến quận, huyện là 6,4%. Tại tuyến trung ương, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng ở mức 5,4%. Hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện là làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9- 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng.

Cần ý thức tự giác của mọi người

Có mặt tại BV Bạch Mai lúc 4h chiều 16/12, phóng viên Dân trí đã có cuộc khảo sát nhỏ, hỏi 50 người trong khuôn viên bệnh viện, thì có tới 3/4 số này trả lời, vào viện thăm, khám bệnh, chỉ khi nào tiện, gặp thì rửa tay, còn tự nhiên thì không nghĩ gì tới.

Chia sẻ về vấn đề này, y tá Nguyễn Hữu Phi, phụ trách vấn đề chống nhiễm khuẩn tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, để người bệnh, người nhà bệnh nhân rửa tay, quan trọng nhất là ý thức của mỗi người. Riêng với nhân viên y tế thì rửa tay thường xuyên là một điều bắt buộc nên việc nhắc nhở cũng dễ dàng hơn.
 
Bệnh nhân lười rửa tay khi tới bệnh viện - 2
Y tá Nguyễn Hữu Phi đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh (Ảnh: H.Hải)

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân, người nhà thường xuyên được nhắc nhở việc rửa tay. Chưa kể, tại buổi họp hàng ngày với người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế đều nhắc nhở về việc thực hiện vệ sinh, quy định tại phòng bệnh. Hiện tại Trung tâm, trong mỗi phòng bệnh đều có bồn rửa tay, trước cửa phòng thì có dung dịch rửa tay nhanh.

Tuy ý thức người bệnh là quan trọng, nhưng không thể phủ nhận, ở nhiều bệnh viện, nơi rửa tay chưa được bố trí hợp lý cũng gây bất tiện cho người bệnh, khiến họ cũng ngại rửa tay. Như tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu bệnh viện Bạch Mai, dung dịch sát khuẩn nhanh được gắn ngay sát cửa nơi bán thuốc, một bên là quạt điều hoà che khuất. “Tôi biết rõ đó là dung dịch rửa tay, nhưng cửa mua thuốc luôn chật ních người, nhiều khi chen vào để rửa cũng ngại”, chị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) nói. Còn tại khoa Nhi, thì mỗi phòng bệnh, bồn rửa tay đều có dung dịch này, nhưng lại kèm dòng chữ to “nhắc nhở” người bệnh: “Dung dịch chỉ dành cho cán bộ, nhân viên y tế”. Còn bệnh nhân muốn rửa tay phải mua xà phòng riêng. Nhiều người khi mới nhập viện chưa kịp “trang bị” xà phòng thì đành rửa tay chay.

Còn ở ngay trước cửa Trung tâm Chống độc, nơi lúc nào cũng đông đúc bệnh nhân ngồi chờ khám nhưng không có nơi rửa tay cũng như dung dịch rửa tay nhanh. Chỉ khi vào hành lang trung tâm, người bệnh mới có cơ hội để rửa tay, do đó, những người thân đi cùng sẽ không có cơ hội có bàn tay sạch sẽ. “Nếu ở ngoài sẵn có thì còn rửa, chứ bảo chúng tôi vào nhà vệ sinh thì “kinh”. Lần nào đưa mẹ đi khám bệnh, tôi cũng cố gắng đi vệ sinh ở nhà, khi “buồn đi” ở viện nhiều khi cũng cố “nhịn” vì rất sợ nhà vệ sinh bệnh viện”, chị Loan ở Giảng Võ, Hà Nội nói.

Hồng Hải