Bệnh nhân Covid-19 nặng tăng nhanh, trẻ tuổi, phổi trắng xóa sau vài ngày
(Dân trí) - Ra chi viện Bắc Giang, BS Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy) chia sẻ áp lực với diễn biến dịch lần này, khi mà số bệnh nhân nặng tăng nhanh, trẻ, phổi trắng xóa chỉ sau vài ngày, chuyển biến nặng đột ngột.
Phổi trắng xóa chỉ sau vài ngày
BSCKII Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang đánh giá, đợt dịch lần này khác biệt với dịch Covid-19 tấn công Đà Nẵng trước đó.
"Tại Đà Nẵng đợt dịch trước, bệnh nhân nặng chủ yếu đều lớn tuổi và có nhiều bệnh nền, còn những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi căng thẳng hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. Bệnh nhân trẻ, không bệnh nền vẫn tiến triển suy hô hấp rất nhanh", BS Linh nói.
BS Linh đánh giá, đặc thù của đợt dịch ở Bắc Giang là gây tổn thương phổi rất nhanh so với những đợt trước. Trong khi đó tại Đà Nẵng, những bệnh nhân trẻ hầu như không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này, chỉ mấy ngày sau chụp X-quang là thấy phổi trắng xóa.
Từ hôm nhập cuộc, BS Linh đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở oxy dòng cao. Đặc biệt có 1 ca được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang sang BV Phổi Bắc Giang ngay trong đêm. Ca bệnh này, ban đầu anh tiên lượng xấu, phải làm ECMO (tim phổi nhân tạo), nhưng đội ngũ đã xử lý đặt nội khí quản, sau đó lọc máu là thấy đỡ và không cần ECMO.
"Thực sự, những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. Đặc biệt, hiện số lượng người mắc vẫn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng", BS Linh đánh giá.
Diễn biến nhanh chỉ sau 1-2 hôm
Một khó khăn nữa trong công tác hồi sức tích cực, vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. "Nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. Các bác sĩ điều trị quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân, bệnh nhân trẻ nên càng phải cố gắng, kiên quyết không để tử vong", BS Linh chia sẻ.
Đánh giá về diễn biến bệnh nhân Covid-19 đợt này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng bệnh nhân diễn biến nhanh, chuyển biến nhẹ sang nặng đột ngột, điều trị khó khăn.
Trên thực tế, ca bệnh ở Bắc Giang 38 tuổi , không có bệnh nền nhưng diễn biến nhanh, tử vong sau 3 ngày có các biểu hiện viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp.
Qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Có ca bệnh chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) vẫn 99% nhưng nhịp thở tăng lên, thể hiện khó thở tăng hơn bình thường nên đã chỉ định đặt oxy để trợ giúp.
"Nếu các thầy thuốc không để ý kỹ, không cảnh báo, chỉ nhìn lượng oxy thấy 99%, dễ chủ quan, trong khi thực tế lâm sàng bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần", PGS Khuê nói.
Theo PGS Khuê, trong các ca bệnh Covid-19, 80% bệnh nhân ít diễn biến (biểu hiện nhẹ), chỉ điều trị nâng cao thể trạng, đảm bảo không lây truyền chéo. 20% bệnh nhân còn lại, 10% có thể diễn biến thành nặng, 5% diễn biến thành rất nặng, phải có chiến lược cho số bệnh nhân này.
Đến thời điểm hiện tại, theo BS Linh, đội ngũ y bác sĩ Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng tại Bắc Giang.
PGS Khuê cũng khẳng định các chuyên gia hội chẩn ca nặng luôn đưa ra những tiêu chí về nhịp thở, mạch, huyết áp... để có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị, điều trị tập trung nhất để tránh nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chung nhận định diễn biến nặng lên ở bất cứ đối tượng nào, người trẻ cũng không thể chủ quan.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhân, trong đó nhiều ca thở máy, ECMO.
So sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau, các nhà thống kê thường dùng khái niệm Tỷ suất chênh (Odd Ratio- OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong.
Thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại 592 bệnh viện tại Mỹ năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng khoảng 20,3%.
So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi có tỷ suất chênh OR=16,2. So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân có bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn với tỷ suất chênh OR=1,9.
Diễn giải thô sơ ra có nghĩa là: Nếu mỗi 100 bệnh nhân nặng trẻ khỏe có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 80 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có bệnh tiểu đường sẽ tử vong khoảng 32 người.
Như vậy là khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và đều có thể tử vong.
Để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị.
Trước diễn biến đợt dịch Covid-19 lần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường năng lực điều trị vì virus biến chủng, triệu chứng bệnh diễn biến nhanh, đã có bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền, tử vong.
Và hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị.