Bệnh nhân bất ngờ bị đổi thuốc, nhiều thân nhân “sốc”

(Dân trí) - Cho rằng việc bệnh viện đổi thuốc mới sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho người bệnh, nhiều thân nhân bức xúc phản đối. Phía bệnh viện lý giải, việc đổi thuốc là hợp lý giúp tiết kiệm chi phí bảo hiểm y tế nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Thân nhân bức xúc khi người bệnh bị thay thuốc mới

“Uống thuốc mới, con tôi chết ai chịu?”

Ngày 3/4, Dân trí nhận được thông tin phản ánh từ nhiều bạn đọc về việc, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, TPHCM bất ngờ bị đổi thuốc điều trị. Theo đó, các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh điều trị ngoại trú bằng phương pháp truyền máu bổ sung và sử dụng thuốc đào thải sắt. Loại thuốc lâu nay đang được sử dụng là Exjade (250mg) được nhập khẩu tử Thụy Điển. Khoảng 1 tháng qua, nhóm bệnh nhân này bất ngờ bị đổi sang sử dụng loại thuốc mới là Duritex (500mg) sản xuất trong nước.

Bệnh nhân bất ngờ bị đổi thuốc, nhiều thân nhân “sốc” - 1

Người nhà bệnh nhân lo ngại trước những tác dụng phụ nguy hiểm được ghi nhãn của thuốc mới (bên trái)

Ông Trần Minh Thụ là ông của bệnh nhân Trần Thị P.V. (12 tuổi, ngụ tại Long An) cho hay: “Cháu tôi được phát hiện bệnh lúc 6 tháng tuổi, phải theo dõi điều trị đến nay, trung bình cứ 3 tuần phải vào viện một lần để truyền máu và uống thuốc đào thải sắt. Việc điều trị suốt thời gian qua, cháu tôi luôn ổn định sức khỏe, đi học gần như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, mới đây, bệnh viện đã đổi thuốc, sau khi đọc thông tin hướng dẫn sử dụng chúng tôi thấy loại thuốc mới có quá nhiều tác dụng phụ, trót cho bé uống 1,5 viên (liều lượng 1 ngày) gia đình không dám cho uống thêm”.

Cùng nỗi lo lắng trên, chị Lê Thị Thanh Tâm (42 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) cho hay: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con bé đầu 14 tuổi và bé sau 12 tuổi đều mắc bệnh Thalassemia, điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, TPHCM. Ban đầu bệnh viện cho sử dụng loại thuốc thải sắt dạng viện nhộng, khi uống vào con tôi đau nhức khắp cơ thể 2 chân không thể tự đứng được, các bé được chuyển sang thuốc chích nhưng hiệu quả thải sắt không cao. Đến khi được sử dụng thuốc Exjade (khoảng 3 năm qua) việc điều trị rất khả thi, sức khỏe các con ổn định”.

Bệnh nhân bất ngờ bị đổi thuốc, nhiều thân nhân “sốc” - 2

Loại thuốc Duritex đang bị nhiều người phản đối để mong tiếp tục dùng Exjade

“Tuần trước, đi tái khám các con tôi bị đổi thuốc, đọc hướng dẫn sử dụng thì thấy có những tác dụng phụ nôn ói ra máu, hạ hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu… nên tôi không dám cho con sử dụng. Bệnh nhân không được thông báo, bệnh viện chưa giải thích gì nhưng đã thấy phát thuốc mới. Chúng tôi đã liên hệ để tìm hiểu lý do đổi thuốc và những vấn đề có liên quan nhưng bệnh viện chưa có giải thích thỏa đáng. Chúng tôi đề nghị bệnh viện tiếp tục cho dùng thuốc cũ vì việc điều trị bệnh đang đáp ứng rất tốt. Nếu bệnh viện vẫn cố ý chỉ định điều trị thuốc mới, con tôi chết ai sẽ chịu trách nhiệm?” – chị Tâm bức xúc.  

Bệnh viện nói: “Thuốc mới giúp tiết kiệm chi phí”

Đề cập đến những tác dụng không mong muốn hoặc sự nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, ông Nguyễn Văn Hùng (62 tuổi, ngụ tại TPHCM có con đang điều trị bệnh) cho rằng: “Bệnh tan máu bẩm sinh phải bổ sung máu nhưng tác dụng phụ của loại thuốc mới lại làm giảm hồng cầu, tiểu cầu bạch cầu. Nếu sử dụng Duritex 500mg để điều trị thì chẳng khác nào “một người làm, một người phá”. Mặt khác, thuốc gây tác dụng phụ rất lớn lên bệnh nhân dư sắt ở các bộ phận tim, gan con tôi là trường hợp này. Sau khi lấy 2 lần thuốc đến nay tôi không dám cho uống”.

Bệnh nhân bất ngờ bị đổi thuốc, nhiều thân nhân “sốc” - 3

Ông Hùng cho rằng, việc sử dụng thuốc cũ đang tốt không lý do gì phải chuyển sang thuốc mới 

Liên quan đến việc chi trả Bảo hiểm Y tế cho 2 loại thuốc trên, Bảo hiểm Xã hội, TPHCM xác nhận cả 2 mặt hàng đều được chi trả bảo hiểm vì cùng hoạt chất. So sánh giá giữa 2 loại thuốc trên cho thấy, thuốc Exjade 250mg có giá là 191.000đ/viên; thuốc Duritex 500mg có giá khoảng 192.000đ/viên. Nhưng liều lượng 500mg nên loại thuốc mới có giá thành rẻ chỉ bằng một nửa so với thuốc cũ. Ngoài những lo ngại về tác dụng phụ, giá rẻ cũng là một trong những vấn đề khiến thân nhân các bệnh nhân hoài nghi cho rằng giá rẻ thì khó có chất lượng tốt.

Trước những phản ánh của thân nhân người bệnh, trao đổi với phóng viên BS-CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho hay: Exjade (250mg) là thuốc biệt dược gốc còn Duritex 500mg là thuốc generic có cùng hoạt chất tương tự như biệt dược gốc. Giá của loại thuốc biệt dược gốc thường đắt hơn rất nhiều so với thốc generic, trong khi quỹ Bảo hiểm Y tế có giới hạn nếu chỉ dùng thuốc biệt dược gốc quỹ sẽ không đủ sức chi trả.

Bệnh nhân bất ngờ bị đổi thuốc, nhiều thân nhân “sốc” - 4

Bảo hiểm chi trả cho ca 2 loại thuốc vì cùng hoạt chất nhưng thuốc mới có chi phí rẻ hơn một nửa

Hiện nay, Bộ Y tế chỉ cho phép mỗi bệnh viện sử dụng khoảng 30 đến 40% thuốc biệt dược còn lại phải dùng generic. Mặt khác, Bộ Y tế đang thực hiện chính sách khuyến khích người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam để giảm gánh nặng của gói bảo hiểm y tế cũng như chi phí phát sinh ngoài danh mục cho người bệnh.

Trong những thời điểm nhất định việc điều trị sẽ dẫn tới tình trạng hết thuốc biệt dược, việc chuyển qua điều trị thuốc generic là bình thường. Hiện bệnh viện đã hết thuốc Exjade nên tất cả bệnh nhân phải sử dụng loại thuốc tương đương là Duritex. Tuy nhiên, một số thân nhân người bệnh chỉ muốn cho con em mình sử dụng duy nhất một loại thuốc biệt dược, điều này bệnh viện không thể đáp ứng nếu bệnh nhân muốn điều trị bằng biệt dược gốc có thể tìm đến những cơ sở khác.

BS Chí Dũng cho biết thêm: “Thuốc nào cũng có tác dụng phụ, không thể nói thuốc này có tác dụng phụ, thuốc kia không có. Thực tế theo dõi việc điều trị bằng thuốc mới chưa ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào phản ánh gặp phải những tác dụng không mong muốn. Trường hợp những bệnh nhân nhận thuốc về nhà uống nếu lo lắng về tác dụng phụ, chúng tôi mong gia đình theo dõi và thông báo sớm (nếu có tác dụng phụ) cho bác sĩ để có phương án điều chỉnh”.  

Vân Sơn