1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nặng thêm vì đắp lá

Trên những người có cơ địa hay bị dị ứng, đắp lá cây dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu, hay kích thích ung thư.

Đắp lá... từ tổn thương da đến ung thư

 

Một ngày cuối tháng 11, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi, bé B.M.Q. Các bác sĩ đã chẩn đoán bé Q. bị nhiễm trùng máu từ việc đắp lá trị ghẻ của người nhà.

 

Thân nhân bé Q. cho hay trước đó vài ngày, da bé bị nổi vài mụn nước xung quanh vùng cổ, và ngực. Người nhà đã đắp một vài loại lá cây để mát da, và làm khô mụn.

 

Không ngờ, những cái mụn nhỏ ngày càng bị loét to hơn. Hơn thế nữa, bé sốt cao, vùng da bị đỏ lan ra toàn thân.

 

Trong khi đó, tại Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM tỏ ra bức xúc khi chứng kiến không ít trường hợp đắp lá cây để... trị khối u, nhất là ung thư vú. Cứ 10 ca ung thư vú thì 1/3 bệnh nhân đắp lá cây để trị khối u mà kết cục là đôi nhũ hoa bị mưng mủ, viêm loét.

 

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng kể lại, có những phụ nữ khi vào đến BV Ung Bướu TPHCM, vú bị viêm loét mưng mủ. Khi thăm khám, các bác sĩ mới biết nhiều chị đã đắp đủ loại lá, từ lá sống đời, lá đu đủ cho đến lá vòi voi, lá cây chó đẻ.... lên khối u trên vú.

 

Việc đắp bừa bãi lá cây trên da đã kích thích các tế báo ung thư vú giai đoạn I bùng phát sang giai đoạn cuối chỉ trong một vài tháng.

 

Đừng phá vỡ hàng rào "da"!

 

BS. Trần Hữu Vinh, Viện Y - Dược học Dân tộc TPHCM, cho biết đắp lá có những tác dụng nhất định, nhưng cũng tuỳ theo cơ địa của mỗi người.

 

Những người có cơ địa không tốt, các chất trong lá cây dễ dẫn đến dị ứng. Qua những vết dị ứng trên da, các yếu tố gây nhiễm trùng rất dễ xâm nhập.

 

Theo các chuyên gia da liễu, lá cây chứa một số chất giúp thực vật kháng lại vi nấm. Các chất này khi gặp ôxy  trong không khí sẽ tạo ra chất ôxy hóa, có thể làm tổn thương da cấp tính. Nhiều loại lá cây chứa độc tố không tốt cho da như: cửu lý hương, dâu tằm, hay các cây họ đậu....

 

Da là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể, đồng thời nó là hàng rào đầu tiên nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Vì vậy, bất cứ những bất thường hay tổn thương xuất hiện trên da như: u cứng trên da, núm vú bị nóng đỏ, trầy xước, mụn ...  người bệnh không được tự ý đắp lá cây. Tình trạng vệ sinh kém và các độc chất trong những loại lá đắp trên da có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

 

Đối với trẻ em, các bậc cha mẹ cần phải giữ cho da trẻ thông thoáng và sạch bằng cách: tắm rửa vệ sinh hàng ngày, dùng các loại vải dễ hút mồ hôi, và có một chế độ ăn uống nhiều nước và trái cây rau quả.

 

Theo H.Cát

Vietnamnet