Bệnh loét dạ dày lây qua đường ăn uống

Các bà mẹ nên bỏ tập quán mớm cơm cho con nhỏ vì có thể làm trẻ nhiễm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Nguy cơ này rất lớn vì có đến hơn 60% người Việt Nam nhiễm HP.

Trước năm 80 của thế kỷ 20, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng, trong đó thuyết về thần kinh được nhiều người chấp nhận hơn cả. Mãi đến năm 1983, hai nhà khoa học người Australia là Warren và Marshall mới nghiên cứu thành công căn nguyên gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Họ công bố cho toàn thế giới biết kẻ thù nguy hiểm trong bệnh lý này chính là vi khuẩn Hélicobacter pylori (HP). Từ đó, việc điều trị và dự phòng viêm loét dạ dày - tá tràng có kết quả khả quan hơn.

Môi trường dịch dạ dày (dịch vị) có độ axit rất cao, tại sao vi khuẩn HP vẫn sống và gây bệnh được? Đây là một vấn đề nan giải mà nhiều nhà nghiên cứu đã tìm tòi trong những năm qua. Cuối cùng, họ đi đến kết luận, vi khuẩn HP có thể sống và hoạt động mạnh ở môi trường axit cao là do có khả năng tiết ra men ureaza. Men này có hoạt tính rất cao, làm phân hủy urê trong dịch dạ dày, tạo thành một lớp đệm amoniac bao quanh vi khuẩn. Nhờ đó, vi khuẩn HP không bị tác động của dịch vị và chịu đựng được môi trường axit của dạ dày.

Vi khuẩn HP gây bệnh bằng độc tố và men (enzym). Độc tố của nó gây loét, tăng tiết dịch vị; còn men ureaza phân hủy urê, tạo thành amoniac, gây độc trực tiếp cho tế bào niêm mạc dạ dày. Hai yếu tố này kết hợp với nhau làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng nề và dẫn đến loét. Bên cạnh đó, một số men khác của vi khuẩn HP phân hủy lớp nhầy, giúp cho vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc dạ dày sâu hơn, dần dần phá hủy tế bào và gây loét niêm mạc.

Vi khuẩn HP cũng có khả năng sản sinh ra chất gây dị ứng với thời tiết khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc gió mùa, thời tiết nóng ẩm thất thường... Khi có một trong các hiện tượng tự nhiên này, nhất là áp thấp nhiệt đới, bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng thường xuất hiện cơn đau.

Một trong những đặc điểm mới phát hiện được ở vi khuẩn gây viêm loét dạ dày - tá tràng là khả năng lây nhiễm khá cao qua đường phân - miệng và miệng - miệng. Như vậy, chúng có thể phát tán từ phân ra môi trường, xâm nhập thức ăn, nước uống để vào cơ thể người và gây bệnh. Tập quán mớm cơm cho trẻ cũng làm lây truyền HP. Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn này có trong nước bọt, chân răng của người bệnh.

Vi khuẩn gây loét dạ dày cũng có thể lây trực tiếp tại bệnh viện, phòng khám. Nhiều trường hợp thầy thuốc nội soi dạ dày cho một người mắc bệnh này, sau đó không khử trùng cẩn thận ống nội soi và sử dụng nó cho người khác, làm lây bệnh.

Ngoài ra, mầm bệnh có thể lây theo gia đình (nếu trong nhà có người mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng) do đồ dùng trong sinh hoạt, ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Theo TS Bùi Khắc Hậu
Sức Khỏe & Đời Sống