1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh lao - nỗi lo còn đó

(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam có thêm gần 160.000 bệnh nhân lao. Mặc dù bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây nên lao kháng thuốc khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp và gây tử vong.

Bác sỹ, Tiến sỹ Phạm Quang Tuệ, Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cho biết như vậy.

 

Bệnh lao có di truyền hay không?

 

Lao không phải là bệnh di truyền mà là bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao  gây nên. Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, cười.

 

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu và bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác như: Tim, thận, xương, khớp, thanh quản, não, màng bụng, ruột, da và mắt.

 

Bệnh lao thường được chia thành 2 giai đoạn:

 

- Giai đoạn 1: Lao sơ nhiễm: Vi khuẩn xâm nhập lần đầu tiên, chủ yếu ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Với trẻ em, thanh thiếu niên và người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn ban đầu thường gây hậu quả nghiêm trọng, tiến triển ngay thành bệnh lao phổi, gây lao kê, lao màng não.

 

- Giai đoạn 2: Lao ở phổi và các cơ quan khác, chủ yếu gặp ở người lớn.

 

Bị nhiễm vi trùng lao, khi nào sẽ mắc bệnh?

 

Có tới 90 – 95% những người bị nhiễm vi trùng lao nhưng cả đời không bị mắc bệnh lao do cơ thể có khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn, ngăn không cho chúng sinh sản. Chỉ khoảng 5 – 10% những người nhiễm vi trùng lao, khi sức đề kháng của cơ thể yếu đi, hệ miễn dịch kém, vi khuẩn lao hoạt động thì sẽ bị mắc bệnh.

 

Đó là những người bị nhiễm HIV, suy dinh dưỡng, phụ nữ ở thời kỳ thai sản, trẻ em thiếu dinh dưỡng, tiếp xúc với bệnh nhân lao qua ôm ấp, nói chuyện, trẻ chưa được tiêm phòng, người già, những người quá gầy, những người lao động vất vả nhưng ăn uống, điều kiện sống thiếu thốn, ẩm thấp, chật hẹp, người tiêm chích ma tuý...  

 

Triệu chứng khi mắc bệnh lao

 

 

Bệnh lao - nỗi lo còn đó - 1
  

Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Quang Tuệ 
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương.

 

Triệu chứng toàn thân

 

Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng độc tố có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), mệt mỏi, kém ăn, gầy, sút cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn...

 

Triệu chứng tại chỗ

 

- Nếu bị lao phổi sẽ có hiện tượng ho khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, ho ra máu.

 

- Bị lao hạch sẽ thường thấy hạch to dính với nhau thành từng khối chắc, nổi rõ trên da (95% gặp lao hạch cổ), ấn không đau.

 

- Bị lao xương khớp sẽ gây đau tại chỗ bị bệnh, hạn chế vận động, nếu bệnh diễn biến lâu ngày không điều trị có thể gây rò mủ tại chỗ.

 

- Bị lao cột sống có thể gây gù, vẹo cột sống, liệt vận động.

 

- Bị lao màng não có các dấu hiệu thần kinh như: Đau đầu, nôn, táo bón, nặng có thể hôn mê, co giật...

 

Trong gia đình có người bị bệnh lao, cần làm gì để phòng bệnh cho người khác?

 

- Người bị bệnh phải sống cách ly, riêng biệt ở phòng thông thoáng. Các đồ dùng cá nhân, bát đũa, cốc chén không nên dùng chung, phải luôn được thay giặt, rửa sạch sẽ và phơi nắng.

 

Nếu vì điều kiện khó khăn phải ở cùng phòng, nằm cùng giường thì nên nằm tráo đầu đuôi hoặc mỗi người nằm quay đầu về một hướng, không để hơi thở của người bị lao phả thẳng vào mặt mình. Nhà ở cần thoáng đãng, không ẩm ướt, nhiều ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh.

 

- Nếu có điều kiện, nên ăn uống đủ chất, giàu chất đạm: tôm, cua, cá, ốc, thịt, đậu, đỗ...

 

- Người bệnh phải che miệng với khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi, cười. Bỏ những khăn ấy vào một túi nilông và cho vào thùng rác. Đờm phải được khạc vào ca hoặc cốc chứa vôi bột, không được khạc nhổ bừa bãi.

 

-Sau 2-3 tuần điều trị thuốc lao đầy đủ, khả năng làm lây bệnh ở người lao phổi sẽ giảm đi.  

 

Trước thời điểm này, bệnh nhân cần tránh sự tiếp xúc không cần thiết với người không mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em gầy yếu, thiếu ăn, suy nhược, suy dinh dưỡng, những người có sẵn bệnh khác... Không được để người bị lao bế ẵm, hôn hít hoặc trông nom trẻ nhỏ.

 

- Nhất thiết phải tiêm vacxin BCG phòng bệnh lao cho trẻ em sơ sinh hoặc trẻ em dưới 1 tuổi.

 

- Người chăm sóc và vào thăm bệnh nhân phải có các thiết bị bảo vệ đường hô hấp đúng chuẩn như khẩu trang, rửa mặt mũi, tay chân sau mỗi lần vào thăm.

 

Ngay khi tiếp xúc với người bệnh, bạn có thể chưa có phản ứng dương tính khi thử phản ứng lao tố (mantoux), nhưng 2-3 tháng sau, bạn phải đi thử lại một lần nữa. Bạn cũng nên uống thuốc phòng lao.

 

Kiều Nga - Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm