Bệnh Kawasaki - Thủ phạm bệnh tim mạch ở trẻ
Đầu tháng 1/2007, bé L.L.Đ, 33 tháng tuổi, bị sốt, ói, đau bụng, được gia đình đưa đến khám tại phòng khám tư. Sau 6 ngày không thuyên giảm, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM và được kết luận đây là bệnh Kawasaki tái phát.
Bệnh nhi L.L.Đ nhập viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng da bị nổi đỏ rải rác toàn thân, môi và niêm mạc miệng đều có màu đỏ tươi, da quanh hậu môn cũng đỏ, 2 mắt bị xung huyết. Ngoài ra, bệnh nhân này còn bị sưng nhẹ ở vùng cổ bên trái, sờ thấy hạch to.
Qua hỏi bệnh sử, mẹ cháu cho biết cháu đã bị bệnh này cách đây một năm nên các bác sĩ chẩn đoán bệnh Kawasaki tái phát. Sau khi điều trị bằng thuốc đặc trị kết hợp với thuốc chống viêm, bé L.L.Đ đã hết sốt vào ngày thứ ba sau khi nhập viện; da bàn tay, chân, quanh hậu môn bong vào ngày thứ 12 và được xuất viện sau 2 tuần điều trị. Các xét nghiệm trước lúc xuất viện ghi nhận cháu hồi phục hoàn toàn, không bị tổn thương ở tim.
Bệnh Kawasaki được ghi nhận đầu tiên ở Nhật Bản năm 1961 và sau đó người ta nhận thấy bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tập trung nhiều ở châu Á.
Dễ nhầm với bệnh khác
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Nội tổng quát 1 – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết Kawasaki là tình trạng viêm các mạch máu cấp tính gây tổn thương đa cơ quan ở trẻ em, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có nguy cơ gây tổn thương mạch vành do phình mạch và huyết khối. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt cao liên tục (trên 5 ngày) và tình trạng sốt không khỏi ngay cả khi điều trị bằng những thuốc hạ sốt thông thường.
Sau khi sốt, triệu chứng thường thấy ở trẻ là mắt bị đỏ do xung huyết võng mạc và viêm kết mạc mắt 2 bên, vì thế trẻ thường nhắm mắt do sợ ánh sáng. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh đỏ mắt thông thường. Do đây là hội chứng sốt cấp tính kéo dài nên nhiều người thường không phân biệt được với bệnh sốt xuất huyết. Ở giai đoạn cấp, ngoài những triệu chứng trên đôi khi còn kèm theo những triệu chứng như ói, tiêu chảy, quấy khóc, không chịu ngủ hay co giật.
Hiện nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định nhưng Kawasaki được xem là một bệnh nguy hiểm vì thường gây biến chứng dãn mạch vành và nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến tử vong vào ngày thứ bảy sau khi mắc bệnh.
Chưa có biện pháp phòng ngừa
Trước đây, trẻ thường được đưa đến BV trễ (từ ngày 13-14) vì cha mẹ phát hiện trẻ bị bong da hay sốt lâu không khỏi. Vì vậy, đã có đến 91,7% trẻ mắc bệnh Kawasaki bị dãn mạch vành. Để hạn chế nguy cơ tử vong hay mắc bệnh tim mạch lâu dài, trẻ cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hiện nay, bệnh Kawasaki đã được chẩn đoán và điều trị bằng Immunoglobulin, đây là một ứng dụng thành tựu khoa học của thế giới tại nước ta. Thời gian hết sốt sau khi truyền Immunoglobulin thường trước 48 giờ. Theo bác sĩ Kim Thoa, nếu trẻ được truyền Immunoglobulin trước ngày thứ bảy thì sẽ không có biến chứng bị dãn mạch vành. Vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa.
Bệnh Kawasaki tái phát rất hiếm gặp. Trường hợp như bệnh nhi L.L.Đ, trong y văn những năm gần đây mới có một vài nghiên cứu, tỉ lệ tái phát được công bố là 7 trường hợp trên 1.000 trẻ đã mắc bệnh Kawasaki.
Dấu hiệu đặc trưng của Kawasaki
- Sốt cao kéo dài
- Luôn nhắm mắt do sợ ánh sáng.
- Ngay ngày đầu tiên mắc, trẻ bị sưng hạch ở một bên vùng cổ hay dưới hàm, hạch to hơn 1,5cm, không có mủ, hạch sẽ nhỏ dần khi sốt thuyên giảm.
- Môi trẻ rất đỏ, kèm theo nứt khô, có khi rỉ máu, lưỡi đỏ và có gai giống như quả dâu tây (thường xuất hiện sau sốt 3 - 4 ngày).
- Mặt và thân có nhiều hồng ban. Hồng ban thường đa dạng và nổi rõ khi trẻ sốt cao.
- Trẻ không chịu cầm nắm bất kỳ vật gì và cũng không bước đi được do lòng bàn tay và lòng bàn chân bị đỏ, giới hạn từ cổ tay và cổ chân trở xuống.
- Sau 2 tuần, da tay và chân sẽ bong bắt đầu từ đầu ngón. Đặc biệt là trẻ bị nổi hồng ban quanh hậu môn, sau 2 tuần da ở đây cũng bị bong.
Theo Nhất Phương
Người lao động