Bệnh hen có thể điều trị dự phòng

(Dân trí) - Theo WHO, tỷ lệ tử vong vì hen tăng nhanh trong những năm qua, chỉ đứng sau tử vong do ung thư và vượt lên trên tử vong do các bệnh tim mạch. Việc chữa khỏi hoàn toàn gần như là không tưởng nhưng có thể điều trị dự phòng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

84% số bệnh nhân hen được kiểm soát hoàn toàn

 

Trả lời câu hỏi bệnh hen có thể chữa khỏi, GS Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng VN   đưa ra một loạt các dẫn chứng cho thấy hen không thể chữa khỏi dứt điểm nhưng hoàn toàn có thể điều trị, kiểm soát tốt. Khi kiểm soát tốt được căn bệnh này, người bệnh sẽ không có nguy cơ tử vong vì những đợt lên cơn hen cấp tính và có cuộc sống như bao người bình thường.

 

GS An cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổ chức Phòng chóng hen toàn cầu chứng minh trên 3.416 bệnh nhân hen thì có tới 84% số bệnh nhân hen ở 44 nước có thể được kiểm soát hen hoàn toàn. Còn tại Việt Nam, kết quả chương trình kiểm soát hen qua nghiên cứu trên 3.130 bệnh nhân hen điều trị với thuốc dự phòng trong 3 tháng thì không một bệnh nhân nào phải nhập viện cấp cứu, người bị hen vẫn có cuộc sống tốt như bao nhiêu người bình thường. Như vậy, căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt.

 

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 4 triệu người mắc bệnh hen, chiếm 5% dân số, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 11%.

 

Kể từ năm 1961 đến nay, tỷ lệ mắc hen ở nước ta đã tăng gấp 3 lần (từ 2% lên 5%). Với tốc độ phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa và ô nhiễm môi trường như hiện nay, bệnh hen đang tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, chi phí điều trị cho một bệnh nhân hen trong năm rất tốn kém, 301USD/năm.

Còn theo TS Phạm Lê Tuấn, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội, qua theo dõi hoạt động của Hội hen Hà Nội từ năm 2001 đến nay (gồm 315 hội viên) cho thấy việc kiểm soát hen đã đạt được mục tiêu hơn cả mong đợi. 70% bệnh nhân đã biết cách phòng ngừa và giảm được cơn cấp cứu do hen phế quản, 44% bệnh nhân hen dùng thuốc phối hợp đạt kiểm soát triệt để, 40% bệnh nhân hen đạt kết quả kiểm soát tốt. Như vậy, 84% bệnh nhân hen đạt kiểm soát thực sự, tránh xa được nguy cơ bị tử vong do hen.

 

Theo GS An, hen có thể kiểm soát vì đây là bệnh viêm mạn tính đường thở, nên có thuốc dự phòng được có hiệu quả, chủ yếu sử dụng corticoid khí dung. Khi có cơn hen, sử dụng thuốc cắt cơn sẽ cắt ngay được cơn hen.

 

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ở nước ta, hiện chỉ có 5% số bệnh nhân hen được kiểm soát. Nguyên nhân là do việc áp dụng liệu pháp kiểm soát hen còn thấp, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về quản lý hen, mặt khác chúng ta cũng chưa đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ và tình trạng kiểm soát của bệnh.

 

“Ngay cả về phía thầy thuốc, nhiều người vẫn còn bỏ sót chẩn đoán hen, không đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ của bệnh. Hơn nữa, còn có tâm lý xem nhẹ điều trị dự phòng, nặng về cắt cơn, lạm dụng kháng sinh. Còn người bệnh thì cũng chưa coi trọng điều trị dự phòng, chỉ khi nào lên cơn hen mới vội vàng dùng thuốc cắt cơn. Người bệnh không dùng thuốc xịt, chỉ quen dùng thuốc uống, thuốc tiêm, lạm dụng kháng sinh, thậm chí tự mình điều trị mà không theo phác đồ chính. Đây chính là nguyên nhân khiến việc kiểm soát hen triệt để ở nước ta còn rất hạn chế, dẫn đến mỗi năm vẫn có tới 3000 người bị tử vong vì hen”, GS An cho biết.

 

Kiểm soát triệt để bằng thuốc dự phòng

 

GS An khẳng định, hen là bệnh nguy hiểm tuy nhiên với các tiến bộ y học, hoàn toàn có thể kiểm soát hen triệt để với phương pháp chính sử dụng thuốc dự phòng.

 

Người bệnh cần ghi nhớ không được tùy tiện chữa trị dù bằng thuốc tây y hay các phương pháp dân gian không chính thống. Khi biết bị hen, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ kê thuốc và dùng thuốc đúng chỉ định.

 

Người bệnh được coi là kiểm soát tốt bệnh hen khi:

 

- Không có biểu hiện hen, hoặc có ít nhất

 

- Không thức giấc ban đêm do hen.

 

- Không phải dùng thuốc cắt cơn (hoặc dùng ít nhất)

 

- Hoạt động thể lực trở lại bình thường.

 

- Chức năng phổi trở lại bình thường hoặc gần như bình thường; không có cơn hen cấp hoặc hiếm có.

Điều trị hen, ngoài việc cắt cơn khi lên những cơn cấp tính, việc quan trọng nhất là dùng thuốc xịt corticoid khí dung để điều trị dự phòng, không cho cơn hen tái phát. “Khi dùng thuốc điều trị dự phòng, cơn hen sẽ không có cơ hội tái phát, như vậy, người bệnh sẽ không bị xuất hiện những cơn co thắt làm nhịp thở người bệnh tăng lên, khó thở, thiếu ô xy dẫn đến dối loạn ý thức, hôn mê, suy hô hấp và có thể bị tử vong. Tuy nhiên, việc dùng thuốc ra sao cần có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc, không nên tùy tiện dùng”, GS An cảnh báo.

 

Để kiểm soát tốt bệnh hen, ngoài việc chính là dùng thuốc dự phòng, người bệnh cũng nên tránh tiếp xúc với dị nguyên vì cơ bản, hen là một bệnh dị ứng, người bệnh dễ lên cơn hen cấp khi gặp dị nguyên. Do vậy, hãy tự phòng bị cho mình, hạn chế tối đa cơ thể phải phản ứng bất ngờ với sự thay đổi thời tiết, tránh xa bụi nhà, phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, virus, thực phẩm, nấm mốc, côn trùng; khói xe, khói thuốc lá, mùi than tổ ong, mùi vị thức ăn đặc biệt; thực phẩm lạ… tất cả đều có thể làm người bệnh dễ bị lên những cơn hen cấp tính. 

 

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể kết hợp chế độ luyện tập nhịp thở bằng cách tham gia lớp khí công, tập thở… để biết cách thở. Không nên hoạt động quá sức, cần biết chế ngự cảm xúc, không nên quá lo lắng, buồn đau, stress… vì những thay đổi, ức chế về cảm xúc đều có thể là những nguyên nhân gây hen.

 

“Nếu dùng thuốc theo đúng chỉ định, tránh xa được những dị nguyên gây bệnh, thực hiện theo đúng những hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh hoàn toàn kiểm soát tốt bệnh hen, không bị tái phát những cơn hen cấp tính để phải nhập viện”, GS An khẳng định. 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm