Bệnh “giời leo”: bác sĩ cũng nhầm
Từ khoảng nửa tháng nay, rất nhiều người Hà Nội bị bệnh ngoài da mà dân gian gọi là bệnh “giời leo”. Bác sĩ cũng kê... nhầm thuốc vì nhầm bệnh.
Hai tuần nay, gia đình anh Nguyễn Đức Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng nhà có côn trùng lạ bay vào vì cả nhà bị... ngứa. Cả nhà anh hoang mang nghĩ đã mắc một chứng bệnh lây.
Bác sĩ Nguyễn Thành (trưởng khoa khám bệnh - Viện Da liễu quốc gia) cho biết từ khoảng thứ Sáu tuần rồi, bệnh nhân bị “giời leo” vào viện khám bệnh tăng đột ngột. Hiện mỗi ngày bệnh nhân “giời leo” chiếm 1/8 số bệnh nhân khám bệnh của toàn viện (khoảng 50 bệnh nhân/ngày). “Một số bệnh nhân có vết bỏng nước xuất hiện ở mắt, miệng, thậm chí ở... cơ quan sinh dục”- bác sĩ Thành nói.
Theo bác sĩ Thành, căn bệnh “giời leo” nói trên thật ra là chứng viêm da do tiếp xúc với một loại côn trùng thường xuất hiện vào mùa gặt, ở các vùng có ánh sáng đèn. Khi bị loại côn trùng này dính vào người, nếu bạn thổi hoặc quét chúng bay đi sẽ không bị bệnh, nhưng nếu để dịch côn trùng dính lên da sẽ bị “giời leo”.
“Chỉ cần bạn chạm tay vào vị trí bị dịch côn trùng dính vào rồi lại chạm vào vị trí khác, người khác là lập tức vết “giời leo” lây lan. Đây là lý do khiến nhiều người nghĩ là loại bệnh lây”- bác sĩ Thành khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu của chứng “giời leo” rất dễ nhầm với bệnh zona. Đây là lý do khiến nhiều bác sĩ, dược sĩ, nhân viên nhà thuốc đã tư vấn... nhầm thuốc cho bệnh nhân. Trong khi đó căn nguyên của zona là do virus, bệnh cũng biểu hiện bằng các vết bỏng nước nhưng chỉ phân bố dọc các dây thần kinh ở 1/2 của cơ thể. Còn chứng “giời leo” xuất hiện toàn thân.
Cũng vì lý do này, thời gian qua rất nhiều bệnh nhân đến viện khi đã bị bội nhiễm vì bác sĩ kê nhầm thuốc, hoặc do tự chữa bằng phương pháp dân gian như nhai gạo sống, đậu xanh sống đắp vào vết thương.
Bác sĩ Nguyễn Thành nói số bệnh nhân “giời leo” năm nay tăng đột biến. Nhiều cơ quan, khu tập thể xuất hiện hàng loạt người mắc bệnh, tuy nhiên so với năm “đỉnh dịch” cách đây 4-5 năm thì số người mắc bệnh còn thấp hơn. Dịch “giời leo” sẽ chấm dứt khi bước vào mùa lạnh.
Theo Lan Anh
Tuổi trẻ