1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh gì cũng kháng sinh mạnh?

Lạm dụng kháng sinh (KS) mạnh, đắt tiền cho mau hết bệnh đang diễn ra phổ biến. Việc này dẫn đến hậu quả là con người mất đi vũ khí phòng thủ sau cùng trong điều trị.

Thầy thuốc chịu trách nhiệm

 

Chị Thuỳ, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM, có đứa con trai 7 tuổi thường xuyên bị viêm phế quản. Tháng qua, con chị nhập viện điều trị gần một tháng vì chứng bệnh này. Bệnh không nặng, nhưng điều trị dây dưa vì bác sĩ cho biết vi khuẩn đề kháng đến 3 loại. Phải dùng đến một kháng sinh cực mạnh, bệnh mới hết. Khi ra viện, chị phải trả viện phí gần 10 triệu đồng.

 

Chị Thuỳ sực nhớ, trước đó mỗi khi con bệnh, chị thường đưa cháu đi khám ở một phòng khám bệnh tư nhân. Nơi này sử dụng các loại KS mạnh để bệnh nhân mau hết bệnh. Kết quả là con chị không còn đáp ứng với những KS thông thường.

 

Trong cộng đồng hiện nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng một loại KS có thể chữa được tất cả các bệnh nhiễm trùng, thậm chí có thể dùng mỗi khi bị cảm cúm thông thường. Vì thế mỗi khi có bệnh họ thường tự điều trị bằng cách mua một loại KS nào đó để uống, khi uống thì được chăng hay chớ (nhớ thì uống, không nhớ thì thôi, thấy bớt bệnh liền ngưng thuốc…). Uống không hết bệnh thì nghe lời người quen mách bảo chuyển sang KS khác!

 

"Góp công” lớn trong sự đề kháng KS là chính đội ngũ cán bộ y tế. Dù được quy định là thuốc phải kê toa, nhưng hiện nay KS được bán rộng rãi, ai mua cũng được với bất kỳ số lượng nào. Tại buổi giám sát của Ban Văn hoá xã hội HĐND TPHCM với Sở Y tế TPHCM tuần qua, một đại biểu HĐND bức xúc đặt vấn đề: "Tại sao một quy định đơn giản là bán thuốc kê toa mà ngành cũng không quản lý được? Vậy nên chăng bỏ luôn quy định này hoặc chuyển sang một quy định khác cho phù hợp?!".

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ không kiểm soát được ngoài cộng đồng mà ngay cả trong các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám…), tình trạng sử dụng KS cũng khó quản lý.

 

Tại các cơ sở y tế ngoài công lập hiện nay, các bác sĩ thường có khuynh hướng chọn các KS thế hệ mới, mắc tiền để điều trị. Vì phần lớn những KS này còn nhạy với nhiều vi khuẩn. Như thế bệnh sẽ mau khỏi, lấy niềm tin của bệnh nhân nhiều hơn. Một lý do khác: khi sử dụng những KS này, các hãng dược chi hoa hồng rất rộng tay (có thể 30 - 40%), nên bác sĩ kê toa thoải mái, bất chấp thiệt hại kinh tế cho bệnh nhân.

 

Đắt tiền chưa chắc hay

 

Một nghiên cứu tại Mỹ trong năm 2005 cho thấy các thuốc KS mới, đắt tiền chưa hẳn cần thiết và tốt hơn KS cũ và sự khác nhau về giá cả không cho ra kết quả điều trị khác nhau. Thậm chí sử dụng KS cũ (12 USD/ngày) còn tốt hơn KS thế hệ mới (42 USD/ngày).

 

Trong điều trị viêm xoang, những nghiên cứu lâm sàng từ năm 1970 - 1998 cho thấy 69% bệnh nhân tự khỏi và việc điều trị bằng các thuốc KS mới như azithromycin, clarithromycin hay cefixin vẫn mang lại kết quả tương tự như thuốc cũ amoxicillin. Với bệnh viêm phổi cấp tính, tính ưu việt của các KS mới cũng không hơn gì các KS thế hệ cũ. Tỷ lệ bệnh nhân dùng thuốc mới tái phát, phải vào viện điều trị còn cao hơn so với dùng KS cũ.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự bất hợp lý của việc dùng KS đắt tiền vancomycin trong hơn 10 năm qua: việc dùng nó như thuốc tiên phong trong bệnh nhiễm khuẩn không mang lại kết quả cao mà còn làm phát sinh các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

 

TS Phạm Hùng Vân, giảng viên bộ môn vi sinh Đại học Y dược TPHCM, cho biết: “Kháng sinh mạnh chỉ được dùng trong trường hợp nhiễm trùng khẩn cấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Khi có kết quả xét nghiệm KS đồ, bác sĩ cần “xuống thang” KS cho phù hợp. Sử dụng KS mạnh ngay từ đầu cho mọi trường hợp dễ nảy sinh kháng thuốc, bệnh nhân lại chịu thiệt vì các KS này rất đắt tiền”.

 

Theo một báo cáo của Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hầu hết các thuốc KS hiện nay đã bị kháng từ thấp đến cao (30 - 80%). Chẳng hạn tình trạng kháng KS S.pneumoniae (gây viêm phổi) ngày càng tăng, mức đề kháng với erythromycin và trimoxazol là trên 70% năm 2004, với chloramphenicol từ 9,4% vào năm 2002 lên tới 35,6% vào năm 2004.

 

Đối với vi khuẩn E.coli (thường gây tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết), tỷ lệ kháng thuốc ở chloramphenicol, trimoxazol là trên 50%; gentamycin, ciprofloxacin trên 40%, cefotaxim trên 20%. Trong năm nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM đã công bố một khảo sát từ năm 2002 - 2006 cho thấy vi khuẩn gây viêm phổi đã đề kháng hoàn toàn với những KS thông thường và đang đề kháng tiếp các KS thế hệ sau.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm