Bệnh đau thần kinh tọa ở phụ nữ trẻ tuổi
Bệnh đau thần kinh tọa hiện xảy ra khá nhiều ở phụ nữ trẻ. Nguyên nhân chính là do lao động nặng, nằm - ngồi không đúng tư thế, bị ngã ngồi… làm ảnh hưởng tới đốt sống.
Đỗ Thị Linh, 20 tuổi, công nhân xí nghiệp may, phải nhập viện vì đau lưng hơn một năm. Linh thường thấy đau cột sống, thắt lưng âm ỉ, nhất là khi ngồi ghế may và ngồi xổm, đỡ đau khi nằm nghỉ. Đi lại bình thường, không sốt, không tê. Trước khi nhập viện khoảng một tuần bệnh nhân bị đau nhiều, không ngồi lâu được, cứ khoảng 30 phút là phải đi nằm. Có triệu chứng đau âm ỉ thượng vị khi no...
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết đó chỉ là một trong những biểu hiện của hội chứng thắt lưng hông - hay còn gọi là bệnh thần kinh tọa.
Nguyên nhân:
Theo bác sĩ Mỹ, dây thần kinh tọa (còn gọi là thần kinh hông, thần kinh ngồi, dây sciatic) là dây thần kinh lớn và dài nhất trong thân người, chạy từ chậu hông xuống giữa đùi sau, xuống khoeo chân rồi chia làm hai nhánh, chạy xuống bàn chân.
Dây thần kinh tọa này bị đau do nhiều nguyên nhân: thoái hóa cột sống thắt lưng, lồi - thoát vị đĩa đệm (chiếm 90% - 95% trường hợp), lao cột sống, viêm màng nhện tủy, dị dạng cột sống, ung thư di căn, thời tiết lạnh... Người bình thường hay bị đau thần kinh tọa do lao động nặng, khiêng vác nặng phải khom lưng, bị té ngồi... Phụ nữ mang thai cũng dễ mắc bệnh.
Triệu chứng:
Ở người, do việc đi, đứng nên một trọng tải lớn dồn nén trên vài cm diện tích bề mặt đốt sống. Trong sinh hoạt hằng ngày, áp lực này sẽ nhân nên nhiều lần khi tư thế cột sống không nằm trên trục sinh lý của nó. Bởi vậy, bạn nên đi khám khi thấy những dấu hiệu đáng ngờ:
+ Đau lưng giữa hay lệch một bên, càng đau hơn khi cúi xuống hay khi bị xóc người (qua ổ gà, vấp vào đá).
+ Cảm giác đau lan xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo, gót chân. Hoặc thấy đau ngược lại, từ gót chân lên.
+ Nhói lưng khi ho, khi hắt xì, khi cười.
+ Cột sống cứng đờ, bị đau khi nghiêng người.
+ Teo cơ bên chân đau.
+ Càng ngày càng khó cúi người xuống.
Điều trị:
Tùy nguyên nhân, tình trạng nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ có cách điều trị thích hợp. Có thể nằm nghiêng bất động, co nhẹ khớp gối và khớp háng trên giường gỗ cứng từ 5 - 7 ngày. Các loại thuốc giảm đau, chống viêm, làm mềm giãn cơ (dưới dạng chích, uống, thoa, đặt) đều có tác dụng tạo điều kiện cho phần mềm đĩa đệm thoát vị trở về vị trí ban đầu. Có thể bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu dùng tia hồng ngoại, hay giải phẫu lấy đĩa đệm ra.
Bác sĩ Mỹ lưu ý: khi thấy có những triệu chứng trên, bạn nên đi khám ngay, vì điều trị sớm sẽ tránh được nhiều phiền toái. Nếu phát hiện có bệnh, không nên nằm ngủ trên nệm mút quá dày vì cột sống sẽ cong theo nệm, bệnh lâu hết. Không đi lại nhiều hay làm việc nặng.
Phòng ngừa:
- Không ngồi còng lưng trong thời gian dài. Khi cần đứng lên nên từ từ để cột sống không bị thay đổi tư thế đột ngột.
- Tự luyện cột sống: Nếu có điều kiện, nên bám chặt tay vào thanh xà, chân không chạm đất, thả lỏng người 3 phút.
- Trong văn phòng nơi làm việc, thỉnh thoảng nên đi lại, chống tay lên hai mép bàn, nâng người lên 2- 3 phút.
Theo Phụ nữ TPHCM