1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh da mùa lũ

Việc phải thường xuyên ngâm mình trong nước bẩn, không đủ nước sạch để vệ sinh cá nhân ở những vùng lũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh ngoài da phát triển, phổ biến nhất là bệnh nước ăn chân, kế đến là các bệnh ghẻ ngứa, chàm, viêm da mủ…

   

Bệnh da mùa lũ  - 1


 

Bệnh nước ăn chân

 

Nước ăn chân là tên bà con hay gọi để chỉ bệnh nấm ở chân. Bệnh này cũng có thể xem là bệnh nghề nghiệp cho những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với nước, môi trường ẩm ướt, mang giầy vớ bít kín mà không thay giặt thường xuyên.

 

Tác nhân gây bệnh là các vi nấm sợi tơ như Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum… hoặc cả vi nấm men Candida albicans. Bệnh có thể biểu hiện bằng hình thức tróc vẩy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ.

 

Ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt. Đây là dạng thường gặp trong mùa lũ.

 

Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vẩy nhỏ mịn. Chúng có thể nhỏ, ở vài vùng rải rác trên chân nhưng cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân.

 

Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Trong trường hợp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ .

 

Về điều trị: khi có mủ, đau nhức, bệnh nhân nên uống kháng sinh, bôi các dung dịch màu như màu xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ.

 

Trong lúc chờ nước rút, bệnh nhân có thể bôi các thuốc kháng nấm, sau đó đi khám bệnh để đuợc thầy thuốc cho toa  phù hợp bệnh cảnh của mình. Các thuốc kháng nấm phổ biến như antimycose, BSI, ASA, cồn kiến cò được thoa ngày 2 lần, rẻ tiền, dễ tìm nhưng gây rát bỏng và làm sậm màu vùng da được xử lí. Các thuốc diệt nấm từ dẫn xuất của imidazole,  ketoconazole (nizoral), econazole, clotrimazole… hoặc chất terbinafine thì hiệu quả và thẩm mỹ hơn nhưng đắt tiền.

 

Bệnh ghẻ ngứa

 

Tác nhân gây bệnh là con cái ghẻ Sarcoptes scabiei. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng cá nhân. Bệnh có quanh năm nhưng vào phổ biến hơn vào mùa lũ, khi một số gia đình phải tránh lũ bằng cách tạm trú tại các chòi láng, thiếu vệ sinh và bệnh này có cơ hội phát triển.

 

Triệu chứng của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi. Ở trẻ em, thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu.

 

Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm, rất nhiều người trong vùng bị ngứa và biểu hiện tương tự.

 

Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ. Muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc mắc bệnh cùng một lúc với nhau, thực hiện vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách.

 

Thuốc bôi được thoa rộng toàn thân từ cổ trở xuống sau khi đã tắm sạch, lưu thuốc trên cơ thể đến chiều hôm sau mới tắm và thoa lại.

 

Có nhiều hóa chất giúp diệt ghẻ. Rẻ tiền và thích hợp cho điều trị cộng đồng là thuốc D.E.P (diethyl phtalate). Ngoài ra còn có các chất Gammabenzen hydrochloride 1%, Permethrine 5%, Benzoate de benzyl 25%, lưu huỳnh, Crotamiton…

 

Bệnh nhân có thể uống thêm thuốc an thần, chống ngứa vào buổi tối, nếu bị bội nhiễm (thương tổn có mủ) thì phải uống kết hợp kháng sinh, nếu bị chàm hóa thì tăng cường các thuốc giải mẩn cảm.

 

Phòng ngừa bệnh da do lũ

 

Bệnh nấm chân là bệnh phổ biến trong mùa lũ mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên trong nước.

 

Để phòng ngừa, bà con cần giữ cho đôi chân luôn khô ráo bằng cách mang ủng (nếu nước ngập thấp), rắc bột talc vào kẽ chân, nên di chuyển bằng thuyền bè để tránh phải dầm nước (nếu nước dâng cao). Sau khi đi mưa hoặc tiếp xúc nước bẩn phải rửa chân sạch, lau khô. Khi có biểu hiện bệnh thì phải thoa các thuốc diệt nấm đã kể trên.

 

Việc giữ vệ sinh cá nhân sẽ giới hạn phần nào các bệnh nhiễm trùng và kí sinh trùng ở da như chốc, nhọt, nấm thân, ghẻ…

 

Đối với bệnh ghẻ ngứa: chữa trị sớm, đúng cách và cách li người bệnh sẽ giúp cắt nguồn lây cho cộng đồng.

 

Theo BS. Võ Thị Bạch Sương

Giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm