Bé trai hôn mê sau khi ăn sắn nướng
(Dân trí) - Sau 30 phút ăn sắn nướng, bé Nguyễn Trọng Lực (8 tuổi, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) rơi vào trạng thái mệt lả, nôn, li bì. Khi được đưa đến viện, bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, co giật, phải tiến hành đặt nội khí quản, chuyển lên tuyến trên.
Bệnh nhi phải thở máy vì ngộ độc sau khi ăn sắn nướng. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi Nguyễn Trọng Lực được chuyển đến khoa cấp cứu trong đêm 15/10. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, lạnh toàn thân, phải bóp bóng qua nội khí quản. Bệnh nhi nhanh chóng được vào thở máy ngay trong đêm bởi tình trạng suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc sắn và rất may mắn, nhờ đưa đến viện kịp thời, bé đã qua nguy kịch.
“Trong sắn có chất acid cyan Hydrine, khi ăn ở ngưỡng gây ngộ độc khiến hồng cầu không hấp thu được oxy, làm trẻ rơi vào trạng thái suy hô hấp, khó thở. Bệnh nhi khi đến viện đã hôn mê, co giật. May mắn được bóp bóng, đặt nội khí quản kịp thời nếu không cơ hội qua khỏi rất khó do bị suy hô hấp”, TS Dũng cho biết.
Anh Nguyễn Văn An, bố bệnh nhi cho biết, hôm ấy, anh chị đi làm về, thấy anh trai Lực nói vừa xin sắn nhà hàng xóm nướng cho hai anh em ăn. “30 phút sau ăn con nôn cả ra miếng sẵn, người cứ lả đi. Nghĩ con say sắn tôi đã pha nước đường cho con uống, nhưng cứ uống vào lại nôn ra rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng li bì mới vội vàng đưa con tới viện. Thằng anh ăn ít hơn nên may mắn không bị ngộ độc”, anh An kể lại.
Theo anh An, loại sắn cháu Lực ăn là loại sắn cao sản. Tại quê anh, người ta trồng sẵn cao sản chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi, người không ăn loại sắn này bởi nó nhiều nhựa hơn sắn bình thường và độc tố từ nhựa sắn rất dễ gây ngộ độc.
"Ngay cả với sắn bình thường, thỉnh thoảng ăn vào cũng bị say nếu ăn phải cây sắn có nhiều nhựa. Còn với sắn cao sản, rất lắm nhựa và ăn vào nhiều trường hợp đã bị say sắn, nhưng có lẽ con tôi ăn nhiều quá, lại là sắn tươi nhà hàng xóm vừa thu hoạch, còn nhiều nhựa nên thằng bé ngộ độc nặng", anh An cho biết.
Theo anh An, người dân quê anh có cách phân biệt giữa sắn thường và sắn cao sản dựa vào những đặc điểm sau: Khi còn tươi, sắn cao sản lắm nhựa hơn sắn thường. Còn khi đã chế biến chín (luộc lên), hoặc do người bán hàng ngâm lâu, nhựa đã mất đi nhưng sán cao sản vẫn rất đắng, có màu vàng, không trắng như sắn bình thường. Ăn sắn cao sản cũng sần sật, không có độ dẻo, thơm, bở như sắn thông thường. Vì thế, phải phân biệt loại sắn để lựa chọn sắn an toàn, ít gây nguy cơ ngộ độc. Cũng không nên ăn sắn tươi vừa thu hoạch (vì có nhiều nhựa) và ngâm kỹ trước khi chế biến để loại bỏ bớt nhựa sắn.