Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm

(Dân trí) - Ca mổ dù chỉ diễn ra trong 40 phút, thời gian không quá dài so với các ca mổ đẻ thông thường, nhưng thực sự là một hành trình “vượt vũ môn” với toàn bộ kíp mổ.

Trong căn phòng mổ dã chiến vừa được tức tốc thiết lập tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 6 y, bác sĩ trong trang phục phòng hộ bịt kín từ đầu đến chân đã trải qua 40 phút tập trung cao độ, để mổ đẻ cấp cứu cho một sản phụ mang thai 38 tuần bị suy thai trong lúc chuyển dạ.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 1

Thời khắc đồng hồ điểm 23h50 phút, cả căn phòng vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi ca mổ đã thành công. Một bé trai kháu khỉnh nặng 3,5 kg đã chào đời ngay tại tuyến đầu chống lại dịch bệnh đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới: Covid-19.

“Đối với chúng tôi, đây thực sự là một điều kì diệu”, đó là lời mở đầu cho câu chuyện về ca mổ đẻ đặc biệt này của Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, khoa Ngoại Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là bác sĩ phát hiện tình trạng bất thường của sản phụ và sau đó đã trực tiếp tham gia vào kíp mổ.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, khoa Ngoại Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Đã 2 ngày trôi qua, BS Hồng vẫn nhớ như in những gì xảy ra trong ca trực tối 15/7, lúc này chị đang nhận nhiệm vụ theo dõi tình trạng của sản phụ được chuyển lên từ khu cách ly ở Vĩnh Phúc: “Lúc đó là khoảng 20h30 tôi đang quan sát trên monitor thì nhận thấy tim thai có dấu hiệu bị nhanh lên một cách bất thường. Cụ thể, với thai nhi bình thường ở tuần tuổi này, tim thai chỉ trong khoảng 120-160 nhịp/phút. Tuy nhiên, kết quả tôi quan sát được lại lên đến 185-190 nhịp/phút”.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 3

Trước diễn biến bất thường này, lãnh đạo Bệnh viện đã tức tốc chỉ đạo mổ đẻ ngay cho sản phụ tại khoa Cấp cứu, nơi người phụ nữ này đang được cách ly và theo dõi. Cũng chỉ vài phút sau những cuộc gọi “hỏa tốc”, kíp mổ đã được tập hợp ngay trong đêm. “Tham gia ca mổ đặc biệt này có 6 y, bác sĩ gồm: 1 bác sĩ mổ chính, 1 phụ mổ, 1 nữ hộ sinh và 3 thành viên thuộc kíp gây mê” – BS Hồng nhớ lại.

Thiết lập phòng mổ dã chiến trong 1 thời gian ngắn là điều không hề đơn giản, đặc biệt là ngay tại cơ sở nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo tìm hiểu, để đảm bảo công tác này được thực hiện nhanh nhất có thể, ngay sau khi được thông báo, các điều dưỡng và bác sĩ đã chủ động thu thập và mang theo những dụng cụ cần thiết cho ca mổ; tiếp đó, kíp mổ tiến hành sắp xếp lại các phương tiện, thiết bị của phòng tiểu phẫu, khoa Cấp cứu để trở thành phòng mổ.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 4

Tham gia ca mổ đặc biệt này có 6 y, bác sĩ gồm: 1 bác sĩ mổ chính, 1 phụ mổ, 1 nữ hộ sinh và 3 thành viên thuộc kíp gây mê” – BS Hồng nhớ lại.

BS Hồng bộc bạch: “Để ca mổ diễn ra suôn sẻ, chúng tôi đã cố gắng huy động tất cả các nguồn lực cần thiết trong khả năng. Tuy nhiên, vì là một phòng mổ dã chiến nên không thể đảm bảo đầy đủ 100% như phòng mổ chuyên dụng. Thiếu vật tư có lẽ cũng là trở ngại lớn nhất khi chúng tôi thực hiện ca mổ này”.

Thêm một thử thách khác với các y, bác sĩ trong kíp mổ đêm 15/7, chính là việc họ phải thực hiện mọi thao tác trong phương tiện phòng hộ cá nhân kín mít. Đó không chỉ là cảm giác nóng bức, bí bách, mà việc khoác lên mình một bộ đồ cồng kềnh như vậy còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự linh hoạt trong các thao tác, thêm vào đó là việc bị hạn chế tầm nhìn khi trước mắt họ là tấm kính ngăn giọt bắn. Tất cả những rào cản này đòi hỏi các y, bác sĩ phải tập trung cao độ trong từng tình huống, từng động tác của mình.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 5

"Chúng tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Làm sao thực hiện ca mổ nhanh nhất và an toàn nhất với sản phụ và em bé"

Cũng chính vì vậy mà ca mổ dù chỉ diễn ra trong 40 phút, thời gian không quá dài so với các ca mổ đẻ thông thường, nhưng thực sự là một hành trình “vượt vũ môn” với toàn bộ kíp mổ.

Chiến binh áo trắng này nhớ lại “Chúng tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Làm sao thực hiện ca mổ nhanh nhất và an toàn nhất với sản phụ và em bé. Sự tập trung cao độ của tất cả mọi người xuất phát từ mục tiêu chung này có lẽ chính là thứ giúp chúng tôi vượt qua tất cả”.

Bé trai chào đời trong phòng mổ dã chiến lúc nửa đêm - 6

 Khoe với chúng tôi bức hình chụp vội sau khi ca mổ được thực hiện thành công, BS Nguyễn Thị Hồng mỉm cười nói: “Khi đón em bé ra đời, tất cả mọi người đều rất vui sướng, bởi sản phụ trong tình trạng cấp cứu, được mổ ngay trong đêm tại phòng mổ dã chiến thiếu thốn vật tư nhưng rồi tất cả đều trọn vẹn”.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại cả người mẹ và em bé đều trong tình trạng sức khỏe ổn định. Sau ca mổ, người mẹ cũng được theo dõi sát như các sản phụ sinh mổ thông thường. Bên cạnh đó, vì chị đang thuộc diện cách ly nên sẽ được theo dõi thêm về nhiệt độ và các triệu chứng điển hình của bệnh như: sốt, ho, khó thở... Người mẹ cũng được chỉ định đeo khẩu trang khi tiếp xúc với em bé.

Trước đó, sản phụ này trở về từ Úc và được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, sau khi có dấu hiệu đau bụng thì được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Minh Nhật