Bé trai bị dây màng ối siết chặt cẳng chân từ trong bào thai

Nam Phương

(Dân trí) - Bé trai 9 ngày tuổi ở Lào Cai mắc hội chứng hiếm gặp. Dây màng ối siết chặt các cấu trúc quan trọng là xương, gân, mạch máu, bác sĩ phải mổ để giải phóng.

Các bác sĩ khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa phẫu thuật tạo hình thành công ca bệnh vòng thắt bẩm sinh cho bé trai 9 ngày tuổi.

Bé trai Cao.V.Q (Sơn La) gia đình đưa tới bệnh viện trong tình trạng có một vòng thắt cẳng chân phải. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng vòng thắt bẩm sinh.

Bé trai bị dây màng ối siết chặt cẳng chân từ trong bào thai - 1

Hình ảnh dải sợi ối siết cẳng chân bệnh nhi

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, vòng thắt bẩm sinh là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/1.200 - 1/1.500 trẻ. Bệnh xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi, khi những dây màng ối (Amniotic Band Syndrome - ABS) quấn vào các bộ phận của thai nhi khiến phần cơ thể đó không lưu thông máu.

Thậm chí, nếu dây màng ối siết chặt hoàn toàn có thể dẫn tới cụt chi, dị tật tay chân như dính ngón, khèo chân. Nếu dây chằng màng ối bám vào khu vực đầu, mặt hoặc cổ có thể dẫn tới các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch… Nguy hiểm hơn, nếu dây chằng này bám vào dây rốn hoặc thân mình có thể gây thai lưu. 

Đối với trường hợp của bé Cao.V.Q, đây là một ca phẫu thuật khó vì bé còn quá nhỏ, vòng siết chặt các cấu trúc quan trọng là xương, gân, mạch máu, đòi hỏi các bác sĩ phải hết sức cẩn thận. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ vòng xơ cẳng chân, giải phóng những tổ chức mô xơ sợi dày bao quanh và siết chặt cấu trúc mạch máu thần kinh gân và cơ ở vị trí vòng thắt, khâu tạo hình vạt da …

Sau mổ, chân bé thoát khỏi vòng siết chặt, các mạch máu nuôi lưu thông tốt, vết mổ khô. 

Bé trai bị dây màng ối siết chặt cẳng chân từ trong bào thai - 2

Cũng theo BS.Tuấn Anh, vòng thắt ở trẻ sơ sinh mặc dù là căn bệnh hiếm gặp, nhưng nguy cơ để lại dị tật ở trẻ rất cao. Nếu không được phẫu thuật sớm trẻ có thể bị teo chân tay do thiếu máu nuôi dưỡng, thậm chí là hoại tử tay, chân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này để có hướng xử lý, điều trị kịp thời cho con. Một số phụ huynh còn nhầm tưởng con mình có nhiều ngấn sâu ở tay, chân do bụ bẫm. 

BS Tuấn Anh lưu ý, cha mẹ cần phân biệt rõ tay chân con có ngấn là do bụ bẫm hoặc do vòng thắt gây ra để sớm điều trị, tránh nguy cơ xấu đối với sức khỏe trẻ. Tay chân trẻ bụ bẫm có các vòng ngấn ở da rất nông và không giáp vòng. Trong khi vòng thắt rất sâu và thắt chặt hết chu vi của chân hoặc tay.

Hội chứng này không mang tính di truyền và không có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, hội chứng vòng thắt bẩm sinh có thể phát hiện trước sinh qua siêu âm 3D và 4D. Những phụ nữ mang thai rơi vào trường hợp này cần phải đi khám thai theo dõi thường xuyên, đồng thời gia đình cũng cần có những kế hoạch điều trị sớm cho việc điều trị dị tật cho con sau này.