Bé trai 5 tuổi mang di chứng suốt đời ở mũi vì một viên pin điện tử
(Dân trí) - Theo bác sĩ, viên pin điện tử đã làm thủng vách ngăn mũi của bệnh nhi. Đây là di chứng suốt đời không thể phục hồi, nên sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe sau này của bé.
Ngày 26/10, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận điều trị, cấp cứu 2 trường hợp hóc dị vật nguy hiểm.
Di chứng suốt đời vì một viên pin điện tử
ThS.BS Nguyễn Thanh Tuấn, phòng Quản lý chất lượng cho biết, trường hợp thứ nhất là một bé trai 5 tuổi, bị chảy máu rỉ rả mũi trái tái lại nhiều lần trong 3 ngày. Gia đình chỉ dùng giấy để nhét vào mũi tìm cách cầm máu, không đưa đi viện ngay, vì không biết bé có dị vật.
Thời điểm bé vào viện, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện dị vật hình trụ tròn, nghi ngờ là viên pin điện tử bên hốc mũi trái bé trai. Bệnh nhi được xác định bị hủy sụn vách ngăn, niêm mạc cuốn dưới bị hoại tử. Quá trình điều trị, các bác sĩ đã xử lý sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi, lấy pin ra khỏi mũi cháu bé.
Hậu phẫu, bệnh nhi chỉ còn chảy mũi ít, đang tiếp tục điều trị và theo dõi tại khoa Nhi - Tổng hợp.
Dù đã được lấy dị vật nhưng theo các bác sĩ, việc thủng vách ngăn là di chứng suốt đời không thể phục hồi, nên sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thông khí, viêm mũi xoang sau này của bé.
Trường hợp thứ hai là anh P.T.G. (36 tuổi). Khai thác bệnh sử, người đàn ông bị hóc xương cá diêu hồng khoảng 3 ngày, nuốt đau, khàn tiếng tăng dần, ăn uống kém. Bệnh nhân có sử dụng những cách dân gian như uống viên sủi C, nuốt cơm nhưng không cải thiện, nên vào viện cầu cứu.
Thời điểm đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, bệnh nhân ghi nhận có đái tháo đường, vảy nến đang điều trị. Ảnh chụp CT ghi nhận có dị vật là mảnh xương từ hạ hầu - miệng thực quản đâm xuyên qua vùng cổ, liên quan vùng dưới sụn giáp phải. Đầu ngoài dị vật cách da khoảng 4mm.
Bệnh nhân có tình trạng viêm nhiều vị trí như tuyến giáp, hạ hầu, xoang… không loại trừ khả năng có áp xe.
Người đàn ông được mổ nội soi vùng hạ họng, thực quản, mở cạnh cổ lấy xương và điều trị nội khoa tích cực. Mảnh xương sau khi lấy ra dài khoảng 35mm. Hậu phẫu, sức khỏe của anh G. dần ổn định.
Không nên tự ý lấy dị vật
TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, những dị vật ở mũi và họng để lại những biến chứng nặng, đồng thời cách xử lý cũng hết sức phức tạp.
Bác sĩ Minh phân tích, hóc dị vật vùng cổ nếu để lâu không xử lý có thể đi xuyên qua niêm mạc thực quản và họng.
Khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ để lại hậu quả là vết mổ vùng cổ, cùng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, tiếp cận các hệ thống động tĩnh mạch lớn ở vùng cổ, gây viêm loét, hoại tử và thủng mạch máu. Nếu đi vào khu vực tuyến giáp sẽ gây viêm tuyến giáp.
TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ thêm, nếu dị vật "di cư" xuống vùng dưới gây áp xe trung thất, tràn khí màng phổi, ảnh hưởng đến màng tim thì bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.
Thống kê trong khoảng 5 năm trở lại đây, có 65 ca bị dị vật là pin điện tử trong mũi đến điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Tính riêng trong năm, cháu bé 5 tuổi nêu trên là trường hợp đầu tiên bị hóc dị vật pin điện tử vùng mũi.
"Trung bình mỗi năm có khoảng 10 ca bị dị vật là pin điện tử trong mũi, đến nay vẫn còn xảy ra. Có trường hợp, bệnh nhi khai bị bạn cùng lớp nhét pin vào mũi. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ suốt cuộc đời", bác sĩ Minh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật nhỏ, nhọn (như tăm xỉa răng, pin), các đồ chơi có thể tháo rời.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ trẻ có dị vật bỏ quên ở mũi (chảy nước mũi một bên, chảy máu mũi kèm mùi hôi, khi thở có âm thanh lạ, thở rít nhiều hơn…), đặc biệt là dị vật pin điện tử, cần đưa đi bệnh viện kiểm tra ngay.
Trong trường hợp phụ huynh trực tiếp phát hiện bé hóc dị vật ở tai, mũi, họng, điều đầu tiên là không nên hốt hoảng, khiến trẻ cũng sợ hãi theo. Ngoài ra, không tự ý lấy dị vật, vì thực hiện không đúng cách (nhất là vùng họng) cũng có thể làm dị vật "di cư" đi sâu hơn vào những vùng nguy hiểm.