Bé trai 16 tháng tuổi tử vong sau 30 ngày bị chó cắn
(Dân trí) - Bệnh nhi 16 tháng tuổi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, tím tái toàn thân, suy đa phủ tạng. Kết quả chọc não tủy phát hiện nhiều virus dại. Bệnh nhi tử vong 2 ngày sau đó.
Bệnh nhi chết thương tâm vì sợ tiêm phòng vắc xin dại
Ngày 24/9, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, mới ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhi tử vong do bị chó dại cắn.
Đây là trường hợp là bé T.M.L. (16 tháng tuổi, ở Phú Thọ). Trước đó, ngày 12/8, bé được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, tím tái toàn thân, ý thức lơ mơ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi shock nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết, chưa loại trừ được viêm cơ tim cấp và viêm não - màng não.
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc ngay lập tức điều trị tích cực, thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim vận mạch để duy trì sự sống; thực hiện siêu lọc máu liên tục để loại trừ các độc tố trung gian, hỗ trợ các tạng bị suy để ổn định các chỉ số sinh tồn.
Tuy nhiên, diễn biến ngày thứ 2 nhập viện, bệnh nhi càng lúc càng nặng lên, với tình trạng viêm phổi nặng, toan hóa máu không cải thiện kèm theo chảy máu tiêu hóa.
Khi thăm khám kỹ, các bác sĩ thấy dưới mi mắt trẻ có vết sẹo mờ đã khỏi. Lúc này, gia đình cho biết trước thời điểm vào viện khoảng một tháng, trẻ ra đường bị chó (không rõ nguồn gốc), cào vào vùng mi mắt dưới bên trái nên bị rách da. Khi bệnh nhi đến bệnh viện khâu vết thương, bác sĩ đã chỉ định trẻ tiêm vắc xin phòng dại.
Nhưng nghĩ vết thương nhỏ, trẻ cũng ít đau, nhất là sợ tiêm phòng dại có thể làm con mình suy giảm trí nhớ nên gia đình không tiêm phòng dại cho bé. Tại thời điểm nhập viện nguy kịch, gia đình cũng không nghĩ vết thương nhỏ do chó cắn/cào đó lại là nguyên nhân gây họa.
"Sau khi có thông tin này, chúng tôi tiến hành chọc dịch não tủy của bệnh nhi làm xét nghiệm PCR để tìm virus dại. Kết quả là có rất nhiều virus dại trong dịch não tủy", BS điều trị cho biết.
Dù rất đau lòng, nhưng các bác sĩ buộc phải trả bé về với gia đình bởi bệnh dại khi phát cơn thì không thể cứu chữa. Bệnh nhi tử vong sau đó 2 ngày.
Trường hợp thứ 2, là bệnh nhi V.VH. (4 tuổi, Phú Thọ) vào viện hôm 26/8 trong tình trạng kích thích, hoảng hốt, mắt đảo liên tục, hét, nói không rõ trọng tâm, tay chân vận động không rõ định hướng, tăng trương lực cơ toàn thân.
Khai thác bệnh sử được biết, trước thời điểm vào viện khoảng 2 tháng, bệnh nhi bị chó cắn vào vùng cằm có chảy máu nhưng gia đình không cho bé đi tiêm phòng dại. Hai ngày qua trẻ nôn khan nhiều kèm theo kích thích, quấy khóc, sợ nước, sợ gió, hoảng loạn nên được gia đình đưa đến viện khám.
Nghi ngờ trẻ bị bệnh dại, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy của bé làm xét nghiệm PCR, kết quả phát hiện rất nhiều virus dại trong dịch não tủy. Bệnh nhi được trả về với gia đình và cũng không qua khỏi sau đó không lâu.
Tiêm vắc xin phòng dại không gây hại
ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, người dân, cứ nhắc đến tiêm phòng dại là rất ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm trí nhớ, suy giảm tuổi thọ... Đây là lý do nhiều người trì hoãn, không tiêm phòng khi bị chó cắn. Hậu quả là khi đã phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.
BS Hưng khẳng định, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Quan điểm này xuất phát từ sự hạn chế của vắc xin phòng dại thế hệ cũ cách đây vài chục năm, được sản xuất, tinh chế từ não chuột, độ tinh khiết không cao nên có thể gây ra những phản ứng cho người tiêm, trong đó ghi nhận các phản ứng bất lợi như sốc phản vệ, ảnh hưởng đến thần kinh, suy giảm trí nhớ… Tuy nhiên, loại vắc xin này cũng đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.
Ngày nay, vắc xin phòng dại thế hệ mới là vắc xin vô bào, nhập khẩu từ Pháp, chất lượng vắc xin rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng. Ở các nước phát triển, các bác sĩ thú y đều được tiêm phòng dại nhắc lại hằng năm.
Vì thế, khi bị chó cắn, cào, tốt nhất là nên đi tiêm phòng vắc xin dại. Bởi nếu không được tiêm phòng, 100% bệnh nhân bị chó dại cắn đều tử vong.
Trong khi đó, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
"Chứng kiến những bệnh nhân không qua khỏi do mắc bệnh dại, đó là nỗi ám ảnh không riêng gì với người thân, mà với cả các bác sĩ. Bởi bệnh nhân dại khi lên cơn vẫn rất tỉnh táo. Nhìn thấy bệnh nhân, người thân ra đi trước mắt, đó là sự bất lực, rất xót xa", BS Hưng chia sẻ.
BS Hưng lưu ý, đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm nên vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó cắn. Vì thế, khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở cần đưa trẻ đi tiêm phòng dại ngay. Ở những gia đình nuôi chó mèo, nên tiêm phòng dại định kỳ cho thú nuôi.