Bé gái phải mổ vì căn bệnh "hiểm" khiến nữ giới không thể quan hệ tình dục

Hoàng Lê

(Dân trí) - Căn bệnh khiến một bé gái vừa phải phẫu thuật tại TPHCM nếu không phát hiện sớm có thể gây suy kiệt thể chất, chấn thương tâm lý do chịu nhiều đau đớn.

Một BV tại TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi (quê Quảng Nam) trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều tháng trời và càng lúc càng nặng dần, gây suy kiệt cơ thể do đau, ăn uống kém và gặp khó khăn khi đại tiện.

5 tháng trời đau bụng nhưng không thể hành kinh

Theo lời kể của người mẹ, từ tháng 11/2021 bệnh nhi đã bắt đầu đau bụng vùng dưới rốn. Suốt 5 tháng đau bụng nhưng không hành kinh, mỗi tháng bé đau bụng khoảng 7-10 ngày, bụng nặng, cảm giác căng. Khoảng 2-3 tháng gần đây, bé đau nhiều hơn, không thể ăn ngủ bình thường nên sút đến 5-6kg. Tình trạng đau bụng nặng cũng khiến việc học tập bị gián đoạn nhiều lần. Lo lắng cho con, qua tìm hiểu, gia đình đưa bé vào TPHCM cầu cứu.

Qua mô tả của mẹ bé cũng như quan sát dấu hiệu trên cơ thể, các bác sĩ nhận định bé gái đã bước vào tuổi dậy thì nhưng chưa thấy kinh nguyệt. Từ kết quả siêu âm phụ khoa gợi ý, cháu bé được chỉ định chụp MRI vùng chậu. Kết quả cho thấy có cơ quan sinh sản, buồng trứng, tử cung bình thường nhưng âm đạo bị bất sản đoạn giữa.

Đường ống âm đạo của bệnh nhi không rỗng như bình thường mà bị "đặc" hoàn toàn một đoạn khoảng 5 cm nằm ở 1/3 giữa, tử cung có tình trạng ứ máu kinh.

"Chúng tôi xác định cháu bé mắc dị tật bẩm sinh đường sinh dục không có một đoạn dài âm đạo, hay còn gọi là bất sản âm đạo" - bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa của bệnh viện cho biết.

Bé gái phải mổ vì căn bệnh hiểm khiến nữ giới không thể quan hệ tình dục - 1

Bé gái bị dị tật hiếm gặp ở âm đạo khiến nhiều tháng trời bị đau bụng nhưng không thể hành kinh (Ảnh: BVCC).

Trước việc chất lượng sống của bệnh nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các bác sĩ phải lên kế hoạch phẫu thuật để thoát lưu máu kinh ứ đọng gây giãn căng tử cung và phần trên âm đạo, cứu bé gái vừa dậy thì, đang trong giai đoạn phát triển.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ đồng hồ, dưới sự phối hợp của bác sĩ sản, chẩn đoán hình ảnh và gây mê hồi sức. Ekip điều trị đã sử dụng kỹ thuật tạo ra một đường mở thông đi ngang qua âm đạo bị "đặc", giúp giải phóng hơn 500 ml máu kinh màu nâu đen, đặc quánh, ứ đọng trong tử cung và âm đạo lâu ngày.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đường hầm âm đạo hoạt động thông suốt. Bệnh nhi xuất viện khỏe mạnh sau 4 ngày điều trị.

Không thể quan hệ tình dục: Coi chừng bị bất sản âm đạo!

Theo bác sĩ, bất sản âm đạo là dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh của nữ giới, khi âm đạo không có được cấu trúc rỗng như bình thường mà bị "đặc" hoàn toàn hoặc một phần.

Bình thường khi bước vào tuổi dậy thì, các bé gái sẽ xuất hiện kinh nguyệt, máu kinh chảy qua lỗ tử cung đổ thẳng vào lòng ống âm đạo, thoát ra ngoài qua lỗ thủng tự nhiên của màng trinh. Tuy nhiên, ở các trường hợp bất sản âm đạo, ống âm đạo không có ở đoạn 1/3 giữa, khiến máu kinh không thể lưu thông ra ngoài như bình thường.

Bé gái phải mổ vì căn bệnh hiểm khiến nữ giới không thể quan hệ tình dục - 2

Dị tật bất sản âm đạo có thể gây nhiều hệ lụy về sức khỏe cho nữ giới (Ảnh: BVCC).

Nếu không phát hiện sớm, người bệnh sẽ suy kiệt thể chất, chấn thương tâm lý do chịu nhiều đau đớn. Máu kinh ứ đọng, gây chèn ép cơ quan lân cận, có thể dẫn đến gây khó đi tiểu tiện.

Bệnh nhân còn đối diện nguy cơ trào ngược máu kinh vào ổ bụng qua hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ ứ máu vòi trứng, lạc nội mạc tử cung vùng chậu,

Bất sản âm đạo là dị tật hiếm gặp, với tần suất thống kê khoảng 1/4000 đến 1/5000 phụ nữ. Căn bệnh này hầu hết chỉ được phát hiện khi phụ nữ đi khám vì vô kinh nguyên phát hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc không hành kinh và đau bụng theo chu kỳ hàng tháng.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có con gái trong độ tuổi dậy thì nếu không có kinh nguyệt, hoặc không có kinh nguyệt nhưng có các dấu hiệu cho thấy con đang dậy thì (ngực nảy nở, có mụn trứng cá, có lông vùng sinh dục…), cần đưa trẻ đi khám phụ khoa sớm để kiểm tra nguyên nhân chậm kinh.