Bé gái đối mặt với cái chết vì biến chứng ho gà phải lọc máu
(Dân trí) - Bé gái 16 tháng tuổi (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, khò khè, khó thở và được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phế quản phổi cấp do ho gà. Bệnh nhi nhanh chóng rơi vào trạng thái suy hô hấp, phải lọc máu, điều trị tích cực liên tục 20 ngày.
Chiều 25/8, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, bé gái Hà Thị T. (16 tháng) trải qua 20 ngày điều trị tích cực đã qua được tình trạng nguy hiểm.
Trước đó, bệnh nhi bị ho, sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà được chẩn đoán theo dõi bạch cầu cấp. Tuy nhiên bệnh nhi dùng thuốc không đáp ứng, có dấu hiệu trở nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh điều trị.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản cấp trên bệnh nhân thiếu máu và theo dõi ho gà. Đúng như chẩn đoán ban đầu, kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao bất thường (108.900/mm3), phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà…
Trước tình trạng trẻ bị suy hô hấp, viên phế quản cấp phổi, thiếu máu và ho gà, bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tích cực do số lượng bạch cầu trong máu quá cao, các bác sĩ chỉ định thay máu ngay trong đêm cho bé.
Đáng nói, dù được thay máu, điều trị tích cực nhưng diễn biến của bệnh nhân ngày càng nặng lên. Bệnh nhân rơi vào tình trạng li bì, sốt trên 41 độ, nhịp tim nhanh 200 nhịp/phút, tăng trương lực cơ toàn thân, bạch cầu máu tăng, tiên lượng bệnh nhân rất nặng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Mười, khoa Hồi sức tích cực cho biết, trước diễn biến càng lúc càng xấu đi của bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa lần 2 và chỉ định thay máu lần 2 cấp cứu trẻ. Sau khi được lọc máu liên tục lần 2 và cho dùng thuốc thì bạch cầu, mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn.
Sau 20 ngày được điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, không sốt, không ho, đại tiểu tiện bình thường, dự kiến xuất viện trong thời gian tới.
Bác sĩ Phạm Ngọc Mười cho biết, tại bệnh viện tiếp nhận rải rác ca mắc ho gà. Đáng nói, phần lớn trẻ mắc ho gà nhập viện và có diễn biến tăng nặng đều chưa tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh ho gà nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh.
Trong khi đó, ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp. Vi khuẩn ho gà có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí qua ho, hắt hơi, ôm hôm… nên tốc độ lây truyền cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Những cơn ho như rút ruột, rút gan trẻ, ho mạnh có thể gây biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi do ho quá mạnh. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt và con ho dữ dội, kéo dài, suy hô hấp đe dọa tính mạng.
Vì thế, với trẻ em khi xuất hiện những cơn ho kéo dài mà chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà cần nghĩ đến nguy cơ này để đưa trẻ đi khám điều trị sớm. Tuyệt đối không tự điều trị, đến lúc trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.
Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.
Tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin. Trẻ từ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin 5 trong 1 (phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib). Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắcxin dịch vụ phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván ở tuần thai thứ 20 để tạo miễn dịch cho mẹ và cho con. Trẻ nhỏ cần tiêm đủ số mũi quy định để tạo kháng thể phòng bệnh.
Hồng Hải