Bé gái 8 tuổi xuất huyết âm đạo khiến cha mẹ hoang mang

Vân Sơn

(Dân trí) - Người nhà đưa bệnh nhi đến thăm khám trong tình trạng hoang mang vì trẻ bất ngờ bị xuất huyết âm đạo khi chưa đến tuổi dậy thì. Bác sĩ xác định, bệnh nhi bị sa niêm mạc niệu đạo hiếm gặp.

Đó là trường hợp của bé gái N.T.H. (8 tuổi, ngụ tại Đà Lạt) nhập viện tại Nhi đồng 2 với tình trạng chảy máu ở vùng kín. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước khi đến bệnh viện, bé có biểu hiện ho dai dẳng kéo dài.

Khoảng 2 tuần trước nhập viện người nhà thấy bé chảy máu ở vùng kín, kiểm tra kỹ ghi nhận có khối nhỏ màu đỏ trồi ra khiến bé tiểu rát và có lúc bí tiểu. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con gái, cha mẹ của bé hoang mang, lo lắng vội đưa con đến bệnh viện thăm khám. 

Bé gái 8 tuổi xuất huyết âm đạo khiến cha mẹ hoang mang - 1

Xuất huyết âm đạo ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố bệnh lý, phụ huynh cần bình tĩnh đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị (ảnh: minh họa).

Qua thăm khám các bác sĩ niệu sinh dục nhi chẩn đoán bé gái bị sa niêm mạc niệu đạo toàn phần có biến chứng. Để tránh nguy hiểm, ngày 1/3 Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện cuộc mổ cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật tạo hình diễn ra thuận lợi đã giúp bệnh nhi tránh được các biến chứng như: hẹp niệu đạo, hoại tử, nhiễm trùng cũng như sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở tuổi trưởng thành. 

Phân tích chuyên môn của Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, sa niêm mạc niệu đạo là một bất thường lành tính, tương đối hiếm gặp tần suất khoảng 1/3000 trẻ gái sinh ra, xuất hiện ở nhóm trẻ 8 đến 10 tuổi. Bất thường này khiến phụ huynh đưa trẻ đến khám với tình trạng rất lo lắng cho là trẻ chảy máu âm đạo do các nguyên nhân khác nhau hoặc khối u vùng âm hộ. 

Bệnh xảy ra do bẩm sinh, cơ thể yếu phần cơ vùng thành niệu đạo, dưới tác động của các yếu tố khác gây tăng áp lực đột ngột ổ bụng như ho kéo dài, tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày sẽ làm trồi ra vùng niêm mạc ở niệu đạo. Niêm mạc xuất phát từ niệu đạo, nếu quan sát kỹ chúng ta có thể thấy nước tiểu rỉ ra từ khối sa này. 

Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết của sa niêm mạc niệu đạo là tình trạng chảy máu, rất dễ nhầm lẫn với chấn thương hoặc bị lạm dụng. Do đó, trước khi được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, người nhà bệnh nhi rất hoang mang lo lắng. Bên cạnh đó, do tính chất hiếm gặp và ít phổ biến nên sa niêm mạc niệu đạo thường dễ nhầm lẫn trong chuyên môn, bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác vùng sinh dục. 

Bệnh lý sa niêm mạc niệu đạo chia ra làm 3 loại: sa bán phần, sa toàn phần, sa có biến chứng. Theo BS Phạm Ngọc Thạch, với bệnh nhi bị sa bán phần có thể điều trị nội khoa, bôi thuốc oestrogen. Tuy nhiên, phương pháp này tính hiệu quả không cao, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, đối với sa toàn phần hay sa niêm mạc niệu đạo có biến chứng thì giải pháp phẫu thuật là duy nhất và hiệu quả. 

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh, trong thời gian bé gái bị ho kéo dài nhất là mùa lạnh, hoặc táo bón hay tiêu chảy có xuất hiện triệu chứng xuất huyết vùng âm hộ thì coi chừng sa niêm mạc niệu đạo. Người nhà nên đưa bé tới những cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng về sau.