Bé gái 7 tháng tuổi bị chẩn đoán "phù nề bao quy đầu"
(Dân trí) - Bé gái 7 tháng tuổi bị sốt, khi đến khám tại BV Nhi Trung ương lại được bác sĩ chẩn đoán bị “phù nề bao quy đầu”. Phía bệnh viện đã nhận lỗi về mình, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân cần hợp tác với bác sĩ nếu thấy sai sót xảy ra.
Bé gái Nguyễn Nhật A. ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội bị sốt, được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám vào ngày 10/8. Tại đây, sau khi khám xong bác sĩ chẩn đoán cháu A. bị sốt vi rút đồng thời kê đơn thuốc cho mẹ cháu bé mang về nhà cho con uống. Trong đơn thuốc được kê bao gồm 5 loại thuốc, có tổng trị giá hơn 1 triệu đồng.
Sau khi về đến nhà, mẹ cháu bé mới tá hỏa phát hiện đơn thuốc chẩn đoán con mình ngoài sốt virus còn bị “phù nề bao quy đầu”, dù con của chị là con gái. Đơn thuốc chẩn đoán nhầm giới tính đã được nhiều tờ báo đăng tải cũng như lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc vì sự tắc trách của bệnh viện.
Bé gái Nguyễn Nhật A. bị sốt nhưng bác sĩ lại chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị triệu chứng "phù nề bao quy đầu" (Nguồn: Giáo dục Việt Nam)
Sáng nay (15/8), PV Dân trí đã có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm hiểu sự việc trên. Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sỹ - Bác sỹ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trước hết chúng tôi xin nhận trách nhiệm vì sai sót nói trên về mình. Qua rà soát, đánh giá lại sự việc, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân do yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do mạng nội bộ của bệnh viện những ngày qua bị quá tải, làm nhảy chữ, nhảy chẩn đoán từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Chúng tôi đã tạm thời khắc phục bằng việc chuyển server mới giúp mạng lưu thông tốt hơn. Về chủ quan là do lỗi bác sỹ khi không rà soát kỹ càng lại đơn thuốc nên không phát hiện sai sót, mặc dù qua đơn thuốc tôi thấy bác sĩ đã khoanh tròn loại thuốc ở mục số 2, đúng là thuốc dành cho những trẻ đang bị sốt vi rút”.
Về việc với đơn thuốc như trên là chẩn đoán bệnh nhân đang mắc bệnh gì? Dành để điều trị cho bệnh nhân bị sốt vi rút hay còn để chữa “phù nề bao quy đầu” ? Ông Trần Minh Điển cho hay: “Cá nhân tôi nhận định, với loại thuốc số 2 (Ibufen D 100 mg/5ml, 120ml (Ibprofen)) trong đơn thuốc thì bệnh nhân có triệu chứng viêm họng, viêm mũi kèm theo, chỉ uống khi bệnh nhân có triệu chứng sốt nóng. Loại thuốc số 1 (Cerepone Dry 125mg/5ml) bắt buộc phải uống khi có triệu chứng sốt vi rút.
Còn với 3 loại thuốc còn lại (Thymorosin 300mg, Kidafort 60ml, Calciumgeral 15ml) bệnh nhân có thể uống cũng được mà không uống cũng được, bởi chỉ dùng cho tình trạng khi đã… ổn định. Và với đơn kê này, ông Điển khẳng định, lãnh đạo bệnh viện không khuyến khích bác sĩ kê quá nhiều loại thuốc như trên làm tốn tiền của bệnh nhân. “Chúng tôi đã yêu cầu bác sĩ viết tường trình, đồng thời sẽ nhắc nhở không chỉ bác sĩ để xảy ra sai sót mà nhắc nhở toàn thể y bác sĩ của bệnh viện, đặc biệt là việc kê đơn thuốc quá nhiều như trên thực sự không cần thiết”,
Ngoài ra, về những trường hợp tương tự như trên do sự cố lỗi do hệ thống mạng làm nhảy chữ, nhảy chẩn đoán, bác sĩ Điển không trả lời cụ thể vấn đề mà chỉ khẳng định bệnh viện sẽ quán triệt các y bác sĩ cần phải rà soát, thực hiện nghiêm túc công việc chuyên môn của mình để hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra.
“Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị cho khoảng 2.500 đến 3.000 cháu bé, cộng với khoảng 1.300 cháu điều trị nội trú, là một khối lượng công việc đồ sộ, nên những sai sót như trên là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo bệnh viện là y bác sĩ không được phép sai, hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra, đồng thời đề nghị phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện cùng hợp tác để việc khám, chẩn đoán, điều trị bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất”, bác sĩ Trần Minh Điển khẳng định.
Đặc biệt, BS. Trần Minh Điển cho rằng nguyên nhân sai sót có phần lỗi của người mẹ cháu bé, khi xem đơn thuốc mà không phát hiện ra lỗi để báo cho bác sĩ. “Khi chúng ta mua một món hàng gì đó, thông thường chúng ta phải kiểm tra mặt hàng thật kỹ trước khi mua. Do đó mẹ cháu bé lẽ ra nên kiểm tra lại tại sao có chẩn đoán như này, sao bác sĩ kê nhiều thuốc như này, tác dụng ra sao? Việc hợp tác giữa hai bên như vậy là điều cần thiết mà bệnh nhân khi đến khám tại các bệnh viện”, ông Điển khẳng định.
“Đáng tiếc là gia đình bệnh nhân đến lúc này chưa có liên hệ với phía bệnh viện để khắc phục sai sót mà chúng tôi chỉ biết sự việc qua báo chí”, ông Điển nói.
Thế Nam