Bé ăn chậm…
Cháu nhà tôi ăn rất chậm, chuyện này gây căng thẳng cho cả hai vợ chồng. Phải làm sao đây ạ?
BS Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM:
Nhiều trẻ ăn chậm là do một vòng lẩn quẩn. Sáng cháu không ăn được, thì bố mẹ cho ăn thêm quà vặt, các món linh tinh. Do vậy đến trưa cháu lại không ăn được. Chiều về, bố mẹ xót lại cho con uống sữa, nước ngọt hay dặm thêm. Đến lúc tối, trẻ ngang bụng rồi nên lại không ăn. Bố mẹ lại vất vả ép uổng. Vòng tròn cứ lập lại như thế.
Bởi vật, phải thay đổi vòng tròn này bắt đầu từ chuyện ăn sáng. Buổi sáng phải cho trẻ ăn sáng, không cho ăn quà vặt. Chiều về cũng không cho quà vặt, để cháu ăn ngon miệng và nhanh. Bên cạnh đó, tập cho trẻ vận động để nó thấy đói, lúc đó mới ăn ngon miệng.
Nếu lỡ trẻ đã trót ăn chậm, cứ hay thích ngậm chứ không nuốt nhanh. Vậy thì cho cháu ăn kèm thứ mà cháu thích, ví dụ nếu nó thích ăn trái cây hay kẹo C, thì cho cháu ăn một miếng cơm, rồi ăn một miếng của thứ trái cây, kẹo… mà cháu thích.
Từ 5 tuổi, nên cho cháu ăn riêng các thức ăn chứ đừng trộn hầm bà lằng lên. Trẻ đã ăn chậm, mà còn trộn nhiều thứ, 1-2 tiếng sau nó sình lên thì làm sao mà cháu ăn ngon được nữa. Nếu cháu không ăn được cái này, thì có thể thay bằng cái kia. Chẳng hạn cháu thích ăn dưa hấu, không chịu ăn rau thì cho cháu ăn cơm với dưa hấu cũng được.
Ngoài ra trẻ cũng thích bắt chước. Mẹ và con cùng ăn thì cháu sẽ thích thú việc ăn hơn.
Không được kéo dài bữa ăn quá 45 phút. Nếu ăn không đủ thì vẫn cho ngưng, rồi cho trẻ bổ sung bằng sữa, các thức bổ dưỡng khác. Nhiều cha mẹ cho uống thuốc bổ, vitamin. Nhưng hình thức này thì phải mang đến bác sĩ để khám qua, chứ không cho uống tự tiện được.
Theo Sài Gòn tiếp thị