1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé 7 ngày tuổi tím tái, ngừng thở sau khi được mút thuốc phiện

(Dân trí) - Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ được bà cho mút thuốc phiện (dạng sệt) chấm ở đầu tăm để bé “chắc dạ” ít bị các bệnh về đường ruột, bé gái 7 ngày tuổi (Hà Nội) xuất hiện tím tái, ngừng thở.

Bác sĩ Phạm Văn Hưng (khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện cấp cứu hôm 17/4, với biểu hiện tím tái, ngừng thở. Ngay khi vào viện, trẻ xuất hiện cơn tím tái lần 2 và ngay lập tức thở oxy.

Đáng nói, ở thời điểm trẻ lên cơn ngừng thở nhưng qua khám lâm sàng không phát hiện dấu hiệu bệnh lý gì. Sau khi bác sĩ hỏi người nhà bệnh nhi ở nhà có cho trẻ ăn, uống gì đặc biệt không thì ông bệnh nhi mới cho biết bé được bà cho mút thuốc phiện nguyên chất để phòng các bệnh về đường ruột sau này. Bé bị tím tái, ngừng thở chính là do chất heroin trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở.


Trẻ đang độ tuổi bú mẹ hoàn toàn, đặc biệt ở trẻ nhũ nhi, sơ sinh không nên 
Trẻ đang độ tuổi bú mẹ hoàn toàn, đặc biệt ở trẻ nhũ nhi, sơ sinh không nên sử dụng các biện pháp dân gian để phòng bệnh đường ruột cho trẻ. Ảnh: H.Hải

Theo đó, bé gái này có người bà ở Điện Biên, khi con đẻ đã mang xuống một chút thuốc phiện với mục đích cho trẻ dùng để phòng các bệnh về đường ruột sau này cho trẻ. Tác dụng chưa thấy đâu, hậu quả đã tức thì khi bé tím tái, lên cơn ngừng thở.

“Ngay lập tức bệnh nhi được thở ôxy, dùng một loại thuốc kháng với giúp phiện để thuốc phiện không tác động vào trung tâm tâm hô hấp của trẻ. Sau 2 lần lên cơn tím tái, ngừng thở và được dùng 2 liều thuốc này, bệnh nhi đã không còn tím tái, được xuất viện sau 4 ngày điều trị”, BS Hưng cho biết.

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ca ngộ độc thuốc phiện do quan niệm dân gian sử dụng loại thuốc này để phòng các bệnh đường ruột cho trẻ như trường hợp này không phải là cá biệt. Tuy nhiên, đây là trường hợp biểu hiện nặng nhất trong những ca đã từng vào khoa Nhi điều trị.  

Ngoài ra, các bác sĩ cũng thường xuyên nhận được câu hỏi tư vấn của người quen ở các vùng quê về việc sử dụng sái thuốc phiện, thuốc phiện để phòng bệnh đường ruột cho trẻ.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng các biện pháp theo quan điểm dân gian, như việc dùng thuốc phiện để phòng bệnh đường ruột cho trẻ là cực kỳ nguy hiểm. Như trường hợp này, bệnh nhi tím tái, có cơn ngừng thở chỉ sau 1 tiếng mút lượng thuốc phiện rất nhỏ. Nếu bệnh nhi này không được cấp cứu kịp thời, cơn ngừng thở kéo dài sẽ nguy kịch đến tính mạng trẻ.

“Việc tùy tiện dùng các biện pháp dân gian như thuốc cam, thuốc phiện để phòng, cầm bệnh tiêu chảy là một sai lầm. Thực tế điều trị trong suốt thời gian dài qua đã không ít bệnh nhi bị ngộ độc chì từ thuốc cam không rõ nguồn gốc, để lại di chứng về thể trạng cũng như trí não trẻ. Hay với sái thuốc phiện, thuốc phiện trong điều trị tiêu chảy là chống chỉ định với cả trẻ em và người lớn. Vì thuốc phiện làm giảm nhu động ruột, khiến tình trạng đi ngoài đỡ hơn nhưng việc cầm đi ngoài này rất nguy hiểm. Các tác nhân gây tiêu chảy (như vi rút, vi khuẩn) không được đào thải ra ngoài tồn đọng trong đường ruột càng gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, thệm chí bị viêm ruột, gây biến chứng nguy hiểm”, BS Nam phân tích.

BS Nam cho biết,  ở mỗi trẻ có tần số đi ngoài khác nhau, có trẻ 1 lần/ngày, trẻ 3-4 lần, có trẻ 5 - 7 lần/ngày. Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi bú mẹ hoàn toàn đi ngoài xì xoẹt ngày vài lần lần, phân đôi khi có nước, hoa cà, hoa cải, bọt nhưng trẻ không sốt, vẫn  ăn, ngủ tốt, tăng cân là sinh lý hoàn toàn bình thường ở trẻ, không cần phải can thiệp bất cứ gì về y tế. 

Trẻ không cần uống thuốc cam, thuốc phiện, không cần can thiệp xét nghiệm, không cần uống men tiêu hóa mà chính đường tiêu hóa của trẻ sẽ tự điều chỉnh dần. Bởi việc uống men, kháng sinh, hay thuốc cam như dân gian hay dùng vẫn không thể giảm được số lần đi ngoài của trẻ.Vì thế, các bà mẹ không nên nghe theo các quan niệm dân gian mạo hiểm dùng các thuốc không được chỉ định cho trẻ sẽ rất nguy hiểm.

Chỉ ở những trường hợp bất thường, trẻ sốt, đi ngoài nhầy máu, không tăng cân... thì nên đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân điều trị.

Hồng Hải