Bé 4 tuổi suýt mất mạng vì người nhà đắp lá thuốc chữa chấn thương

(Dân trí) - Cháu bé 4 tuổi bị té dẫn đến chấn thương đã được bác sĩ bó bột. Tuy nhiên sau đó người nhà đã tháo bột để đắp lá thuốc cho nhanh khỏi dẫn tới tạo mủ toàn cánh tay trái kéo dài lên khớp vai.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM ngày 27/3 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị nhiễm trùng rất nặng. Bệnh nhi là bé K.B. (4 tuổi) được bệnh viện địa phương chuyển tới trong tình trạng sốt cao, sưng bóng cánh tay trái.  

Bé 4 tuổi suýt mất mạng vì người nhà đắp lá thuốc chữa chấn thương - 1

Từ mu bàn tay đến khớp vai của bệnh nhi bị tạo ổ mủ nhiễm trùng nặng

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó bệnh nhi bị té dẫn đến chấn thương cánh tay trái đã được bệnh viện địa phương bó bột rồi cho về theo dõi. Tuy nhiên, gia đình đã tháo bột và đắp lá thuốc vì nghĩ rằng phương pháp điều trị dân gian sẽ giúp bé nhanh lành vết thương. Ít ngày sau đắp thuốc, tình trạng của bệnh nhi bắt đầu trở nặng, bé than đau nhiều, cánh tay sưng lớn, sốt, lơ mơ… phải nhập viện cấp cứu. 

Sau khi thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nặng do viêm mô tế bào gây chèn ép khoang. Bệnh nhi được chỉ định điều trị kháng sinh và nhanh chóng phẫu thuật xử lý các ổ nhiễm trùng tạo mủ. 

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận rất nhiều mủ trào ra từ cánh tay bé. Nguy hiểm hơn, ổ mủ không chỉ ở cánh tay mà lan tràn lên tận khớp vai xuống tới mu tay bệnh nhi. Đường mổ giải áp trên cánh tay cho thấy mủ vàng đặc và hôi nằm xen kẽ làm mủn vụn hết các lớp cân cơ đã tụ toàn bộ khớp vai và hết cánh tay trái làm phù nề các mạch máu và thần kinh lớn. Tình trạng nhiễm trùng nặng đã khiến trẻ bị suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao.

Bé 4 tuổi suýt mất mạng vì người nhà đắp lá thuốc chữa chấn thương - 2

Sau phẫu thuật, điều trị bệnh nhi đã qua được giai đoạn nguy kịch

Ê kíp mổ đã phải rạch một đường dài toàn bộ cánh tay của bé để giải áp và để hở vết mổ để bơm rữa sạch ổ mủ. Bệnh nhi được truyền kháng sinh tĩnh mạch, điều trị tích cực ngăn chặn suy đa cơ quan. Sau nhiều ngày chăm sóc, theo dõi liên tục, bệnh nhi dẫn vượt qua giai đoạn nguy kịch, tình trạng nhiễm trùng được ngăn chặn, các bác sĩ đã khâu lại vết mổ giải áp trên cánh tay cho bé. 

May mắn được cứu sống song bệnh nhi sẽ phải đối mặt với những di chứng tổn thương thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động cánh tay. Bác sĩ Trương Anh Mậu, phó khoa Chấn thương Chỉnh trực cho biết, trường hợp này là điển hình của tình trạng viêm mô tế bào phần mềm do các vi khuẩn hoặc từ da của bé, hoặc từ những tạp chất có lẫn trong các lá cây thuốc mà người nhà đắp lên da gây nên. 

Tình trạng nhiễm trùng lan tỏa khó kiểm soát có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Bác sĩ khuyến cáo với các trường hợp chấn thương phần mềm đơn thuần, người nhà chỉ nên kê cao (từ 20 đến 30cm) tay hoặc chân bị tổn thương cho bé, có thể băng ép nhẹ và chườm nước lạnh chỗ sưng. Nếu trẻ đau nhiều có thể cho uống thêm thuốc giảm đau, kháng viêm. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng nên đưa bé đi khám để được điều trị đúng cách. Không nên bó các lá thuốc không rõ loại vì một số tạp chất có thể thấm qua da, mang theo vi trùng và gây ra hậu quả khôn lường.

Vân Sơn