Bé 3 tuổi ở Thái Nguyên tử vong vì chữa ung thư bằng thực dưỡng
Thay vì đưa con đến viện, người mẹ quyết định cho con ở nhà ăn gạo sống, gạo lứt và nhai lá chè chữa ung thư.
Bệnh viện đề nghị chuyển bệnh nhi đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một người bán hàng thực dưỡng trên mạng để “điều trị”.
Người bán hàng quả quyết, ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với Tây y còn với thực dưỡng, không có khó khăn gì. Người này cũng khẳng định, nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa có sự can thiệp của Tây y, cháu bé gần như chắc chắn có thể được cứu sống.
Mẹ của bệnh nhi lập tức áp dụng phương pháp trên bằng cách cho con nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước), ăn tương sắn dây… Nếu làm theo hướng dẫn, bé sẽ khỏi bệnh khi các vết bầm trên da biến mất vì bầm đen là máu độc.
Mẹ bé cũng phải áp dụng ăn theo công thức thực dưỡng số 7, chỉ ăn cơm lứt và muối vừng rồi cho con bú.
Sau một thời gian áp dụng phương pháp trên, cháu bé chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương và ân hận của bố mẹ.
TS.BS Đỗ Huyền Nga, phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết - Bệnh viện K chia sẻ, trường hợp của bệnh nhi trên rất đáng tiếc. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh ung thư, không nên mù quáng tin vào các phương pháp không có cơ sở khoa học.
“Là bác sĩ điều trị ung thư, chúng tôi rất buồn, rất tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc nam hay thực dưỡng. Chúng tôi luôn cảnh báo bệnh nhân nhưng vẫn có nhiều người không tin”, TS Nga thông tin.
Theo bác sĩ Nga, ung thư nói chung, ung thư máu nói riêng, hoàn toàn có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo đúng phác đồ.
Ở trẻ em, ung thư máu là một trong những ung thư phổ biến nhất, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đây là một căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu trong máu.
Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả điều trị của bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh.
Điều trị bệnh ung thư máu cần kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp hóa trị, phẫu thuật… Tùy theo thể trạng, dạng bệnh, tuổi của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc phác đồ phù hợp.
“Điều quan trọng nhất là tâm lý của trẻ và gia đình. Phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình chữa bệnh của con. Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến”, TS Nga nhấn mạnh.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh ung thư máu có thể lên tới 80%, trong khi trước đây chỉ 50-60%.
“Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là đã có gia đình riêng và sinh con”, TS Nga chia sẻ.
Theo Vietnamnet.vn