“Bất nhất” cách thực hiện 2 Thông tư chuyển tuyến
(Dân trí) - Sự bất nhất giữ 2 Thông tư chuyển tuyến có nguy cơ dẫn đến những rối rắm trong việc thanh toán Bảo hiểm Y tế. Ngành Y tế muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh nhưng phía Bảo hiểm Xã hội thì chọn giải pháp có lợi cho mình.
“Bất nhất” giữa Thông tư 14 và Thông tư 37
Cuối tháng 11/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 37/2014/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 thay thế Thông tư 10/2009/TT-BYT.
Tình trạng vượt tuyến trong khám chữa bệnh đang diễn ra rất phổ biến
Theo khoản B, mục 2, điều 9 quy định thủ tục khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề Hội nghị triển khai tập huấn Thông tư về công tác khám bệnh, chữa bệnh năm 2014 do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/12 tại TPHCM, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, nếu thực hiện theo Thông tư 37 thì người bệnh chỉ phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến một lần. Ở lần chuyển tuyến sau, căn cứ trên giấy chuyển tuyến của cơ sở trực tiếp chuyển người bệnh đi, bệnh nhân sẽ được thanh toán Bảo hiểm Y tế hình thức thanh toán cho bệnh nhân đúng tuyến.
Trong khi đó, Thông tư 14/2014 TT- BYT ban hành vào ngày 14/4/2014 (vẫn còn hiệu lực) lại quy định, việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định, bệnh nhân được xem là điều trị đúng tuyến, phải có giấy chuyển viện ở cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Như vậy, nếu không có giấy chuyển viện ở tuyến đăng ký khám Bảo hiểm Y tế ban đầu, những lần chuyển tuyến tiếp theo, bệnh nhân sẽ phải chấp nhận hình thức thanh toán viện phí theo dạng vượt tuyến.
Bệnh viện đang bị kẹt giữa 2 Thông tư nhưng chưa có văn bản hướng dẫn
Sự bất nhất giữa 2 Thông tư trên đang tạo ra hai cách thanh toán viện phí cho người tham gia Bảo hiểm Y tế trái chiều. Phía Bảo hiểm Xã hội đang chọn cách giải quyết có lợi cho mình theo kiểu “lách luật”. Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội sẽ tiếp tục áp dụng hình thức thanh toán cho bệnh nhân tham gia khám chữa bệnh theo Thông tư 14. Người bệnh chỉ vượt tuyến một lần sẽ phải chấp nhận hình thức thanh toán bảo hiểm vượt tuyến trong những lần chuyển viện kế tiếp.
Phía các cơ sở khám chữa bệnh thì lựa chọn phương án có lợi cho người bệnh theo Thông tư 37, tức là bệnh nhân chỉ phải thanh toán chi phí điều trị theo dạng vượt tuyến lần thứ nhất. Ở những lần chuyển viện kế tiếp chỉ cần giấy chuyển viện, bệnh nhân sẽ được thanh toán Bảo hiểm Y tế đúng tuyến.
Cần chọn hướng giải quyết có lợi cho người bệnh
Thông tư 37 sắp có hiệu lực và sẽ tồn tại song song với Thông tư 14 nhưng Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện đang gây khó khăn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tại Hội nghị triển khai tập huấn Thông tư về công tác khám bệnh, chữa bệnh năm 2014, nhiều ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện thuộc khu vực phía Nam đều bày tỏ sự lúng túng.
Đại diện bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho hay: “Nếu được quyền quyết định, chúng tôi sẽ chọn cách thực hiện thanh toán Bảo hiểm Y tế cho bệnh nhân theo Thông tư 37. Tuy nhiên, nếu Bảo hiểm Xã hội vẫn áp dụng thực hiện thanh toán viện phí theo Thông tư 14 đẩy bất lợi cho bệnh nhân, khi đó chúng tôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu Bảo hiểm Y tế của bệnh nhân đã được duyệt theo Thông tư 37 nhưng Bảo hiểm Xã hội không chấp nhận thanh toán. Sự bất nhất giữa 2 thông tư nếu không có hướng giải quyết rốt ráo, nguy cơ gây ra những rối rắm trong thanh toán Bảo hiểm Y tế cho người bệnh.”
Thông tư 37 hướng đến đơn giản hóa thủ tục khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm Y tế
Các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, trong trường hợp 2 thông tư có hiệu lực như nhau thì ngành Y tế phải lựa chọn thông tư có lợi cho bệnh nhân để áp dụng vào thực tế. PGS. TS Lương Ngọc Khuê đã ghi nhận những ý kiến phản ánh của đại diện các bệnh viện và cho biết Bộ Y tế sẽ cuộc làm việc với Bảo hiểm Xã Hội để tìm phương án giải quyết hợp tình hợp lý theo hướng có lợi cho người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phân tích, Thông tư 14 hiện hành đang áp dụng cho tất cả các đối tượng bệnh nhân còn Thông tư 37 ban hành nhắm đến đối tượng cụ thể là bệnh nhân tham gia Bảo hiểm Y tế. Thông tư 37 nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo hướng có lợi cho người bệnh, khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm Y tế.
Khi Thông tư 37 chính thức có hiệu lực, Cục quản lý Khám chữa bệnh sẽ yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh quy trình chuyển tuyến. Mỗi bệnh nhân chuyển tuyến sẽ phải căn cứ trên kết quả hội chẩn, chẩn đoán của Hội đồng chuyên môn để xác định bệnh án vượt quá khả năng điều trị của cơ sở.
Vân Sơn