Bất ngờ với những khu cách ly Covid-19 kì lạ nhất thế giới
(Dân trí) - Lệnh cách ly ngay tại chỗ vì dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều tình huống trớ trêu, khi mà du thuyền, tàu ngầm hay thậm chí là Bắc Cực lại có thể trở thành khu cách ly “bất đắc dĩ”.
Trường hợp cách ly vì dịch Covid-19 trên du thuyền được nhiều người biết đến nhất, ở thời điểm hiện tại, chính là câu chuyện của Diamond Princess. Đầu tháng 2, chuyến hành trình đi qua nhiều nước của du thuyền chở 3700 con người đã phải dừng lại tại cảng Yokohama (Nhật Bản) sau khi phát hiện một người đàn ông 80 tuổi dương tính với SARS-CoV-2.
Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, toàn bộ hành khách trên du thuyền đã được yêu cầu tự cách ly ngay trong cabin của mình. Kế hoạch tưởng như sẽ giúp bảo vệ những hành khách còn khỏe mạnh lại phản tác dụng. Sau hơn 2 tuần thực hiện lệnh cách ly, từ 1 ca bệnh ban đầu đã có hơn 500 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, biến Diamond Princess trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất ngoài biên giới Trung Quốc lúc bấy giờ. Các chuyên gia đánh giá rằng, việc cách ly toàn bộ du khách trên du thuyền có thể là một sai lầm khiến dịch bệnh lây lan nhanh. TS Nathalie MacDermott, chuyên gia về dịch bệnh, Đại học London nhận định: “Nhẽ ra họ chỉ nên cách ly những người bị nhiễm bệnh ở trong phòng cho đến sau 48 tiếng, kể từ khi các triệu chứng bệnh biến mất, chứ không phải là toàn bộ du khách trên thuyền”.
Theo mô tả của một số du khách trên Diamond Princess, cuộc sống trên tàu sau khi bị cách ly giống như một nhà tù nổi, chỉ khác là họ được đi lại trên sàn tàu nhưng vẫn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với các du khách khác. Tuy nhiên, các thủy thủ đoàn vẫn dùng chung phòng với nhau và tiếp tục phục vụ du khách như: giao đồ ăn, thư từ, khăn tắm hay vào cabin của khách để dọn dẹp. Bên cạnh đó, đội ngũ khoảng 1000 người này cũng ngồi ăn chung với nhau ở trong một khoang lớn.
Bên cạnh Diamond Princess, nhiều du thuyền khác cũng lâm vào cảnh phải trở thành khu cách ly “nổi” như World Dream, Grand Princess, Zaandam…
Một con tàu phá băng thám hiểm Bắc Cực đã buộc phải ngưng hành trình, sau khi một thành viên thuộc đội thám hiểm dương tính với virus SARS-CoV-2. Toàn bộ 20 thành viên của dự án thám hiểm mang tên MOSAiC đã tiếp xúc gần với ca bệnh, buộc phải tự cách ly trong vòng 2 tuần. Vậy là kể từ tháng 2 đến nay, nhóm nghiên cứu đã phải ở lại trên con tàu phá băng ở nơi cực Bắc lạnh giá với nhiệt độ trung bình là -12,4oC. Theo kế hoạch, họ sẽ rời đi vào tháng 4 và 1 nhóm nghiên cứu khác sẽ đến để thay thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh leo thang như hiện nay, việc đưa máy bay đến đón đoàn thám hiểm là bất khả thi.
Trong một chuyến tham quan tàu ngầm Orel, tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga, một nhà thầu đã vô tình khiến toàn bộ thủy thủ đoàn gần 100 người phải cách ly, khi ông được xác định là đã từng tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2. Nhằm giữ vững tinh thần cho thủy thủ đoàn, thuyền trưởng đã giữ kín thông tin về việc cả con tàu đã bị cách ly, do liên quan đến đại dịch Covid-19. Vậy là các thủy thủ vẫn tiếp tục vận hành tàu ngầm rong ruổi trong lòng biển, để hoàn thành sứ mệnh được giao, mà không hề biết rằng họ đang ở trong một trong những khu cách ly đặc biệt nhất thế giới.
Cách ly ở một nơi nào đó không phải nhà mình thực sự là một cảm giác không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, với những du khách Australia, trên chiếc du thuyền Vasco da Gama, quãng thời gian cách ly 2 tuần đã trở thành trải nghiệm trong mơ của bất kì ai. Thay vì bệnh viện, các khu quân sự hay tệ hơn là 3 trường hợp lạ lùng đã đề cập, địa điểm cách ly của những du khách này lại là một hòn đảo du lịch tuyệt đẹp có tên Rottnest (ngoài khơi bờ biển Tây Úc), nơi mà đoàn đang tham quan trước khi có lệnh cách ly.
Không chỉ có bãi cát vàng, nước biển trong vắt, đảo Rottnest còn nổi tiếng với Quokka, loài động vật hạnh phúc nhất thế giới. Kết quả là mang tiếng đi cách ly nhưng đối với đoàn khách du lịch này, chuyện chỉ giống như chuyến nghỉ mát của họ trên hòn đảo thiên đường, được kéo dài ra so với dự tính ban đầu.
Minh Nhật
Theo IS, SCMP