1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bất ngờ về tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam

Hiện nước ta có 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Đây là con số bất ngờ được Thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư Nguyễn Viết Tiến công bố tại một hội thảo vào đầu tháng 12 này.

 

Bất ngờ về vô sinh

 

Không những nhiều về số lượng vô sinh, hiếm muộn cũng đang có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Các chuyên gia y tế cảnh báo ô nhiễm môi trường, thức ăn độc hại và quan hệ tình dục không an toàn chính là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng trên.

 

Nguyên nhân hàng đầu: viêm nhiễm đường sinh dục

 

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản T.Ư., nếu như khoảng 10 năm trước đây, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận 2 - 3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về vô sinh hoặc hiếm muộn thì đến thời điểm hiện tại con số này đã tăng lên từ 40 - 60 cặp vợ chồng (tương đương  10 - 15 cặp/ngày).

 

Bác sĩ Hợi cho biết nhu cầu điều trị vô sinh đang tăng theo từng năm. Chỉ tính riêng kỹ thuật điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm, đến giai đoạn này vào khoảng 2.500 - 3.000 chu kỳ/năm, cao hơn 1.000 chu kỳ so với khoảng ba năm trước đây. Bệnh viện đang thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào cổ tử cung (IUI) khoảng 6.000 ca/năm, tăng 2.000 ca so với năm năm trước.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nghiên cứu cấp quốc gia mới nhất cho thấy tỉ lệ vợ chồng Việt vô sinh hiện đang ở mức 7,7%, trong đó có 3,9% vô sinh nguyên phát và 3,8% là vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã từng có con). Theo Thứ trưởng Tiến, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở phụ nữ là viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc vòi tử cung.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, chuyên gia về sản phụ khoa, cũng nói ở các trường hợp vô sinh thứ phát thì nguyên nhân hàng đầu là tắc vòi tử cung do các bệnh lây qua đường tình dục, do nạo phá thai hoặc đặt dụng cụ tử cung không đảm bảo vô trùng. “Ở VN nguyên nhân này là hàng đầu, các nguyên nhân khác chiếm tỉ lệ không đáng kể”- TS Hinh cho hay.

 

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết viêm, dính vòi trứng do phá thai không an toàn, mắc các bệnh viêm nhiễm, lây truyền qua đường tình dục... là nguyên nhân thường thấy nhất ở bệnh nhân đến điều trị vô sinh, hiếm muộn ở bệnh viện này. Đó được xem là hệ quả của tình trạng thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục của một bộ phận giới trẻ.

 

Ngoài ra, theo ông Ánh, dù không có thống kê nhưng hiện tượng hiện nay nhiều bác sĩ lạm dụng chỉ định, can thiệp không đúng thời điểm, phác đồ điều trị không phù hợp cũng là nguyên nhân làm cho bệnh cảnh các trường hợp viêm nhiễm đường sinh dục ngày càng khó điều trị, hoặc dẫn đến nguy cơ vô sinh cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi còn cho rằng ý thức vệ sinh kém, các vấn đề ô nhiễm môi trường, lạm dụng hóa chất trong việc nuôi, trồng, chế biến thực phẩm... cũng có thể góp phần làm gia tăng hiện tượng vô sinh.

 

Khi nào nghĩ đến vô sinh

 

Ông Hợi cho biết những cặp vợ chồng có quan hệ tình dục thường xuyên mà không dùng các biện pháp tránh thai trong vòng một năm, nhưng không thể có con thì có nghĩa là có nguy cơ vô sinh nguyên phát. Trường hợp những cặp vợ chồng đã từng có con trước đó, nhưng sau sáu tháng quan hệ tình dục liên tục mà không dùng các biện pháp tránh thai là có thể bị vô sinh thứ phát. Những trường hợp này đều cần đến các cơ sở chuyên khoa sinh sản để được điều trị sớm.

 

Cũng theo bác sĩ Hợi, hiện nay rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn muộn hoặc trì hoãn việc có con sau khi kết hôn, đến lúc muốn có con lại không thể được, nguyên do là bị suy giảm chức năng sinh sản. Cần lưu ý ở phụ nữ, chức năng sinh sản bị suy giảm rõ rệt khi bước vào độ tuổi 35 - 38, việc can thiệp bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đối với phụ nữ ở độ tuổi này thường thấp hơn hẳn so với lứa tuổi dưới 30. Tỉ lệ thụ thai trong ống nghiệm đối với phụ nữ ở độ tuổi từ 35 - 38 chỉ khoảng 25 - 30% trong khi ở lứa tuổi dưới 30 tỉ lệ này khoảng 35 -40%. “Do vậy để đề phòng việc mất đi cơ hội điều trị vô sinh, hiếm muộn thì đừng nên trì hoãn việc có con quá lâu sau khi kết hôn và nhất là không để lớn tuổi quá mới đi điều trị vô sinh” - bác sĩ Hợi khuyến cáo.

 

Cơ hội

 

Bác sĩ Hợi cho biết hiện nay VN đã có tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh, tỉ lệ thành công trong điều trị vô sinh, hiếm muộn rất lớn, không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Tỉ lệ thành công trong ống nghiệm năm 2010 -2011 đạt 35%. Năm 2012, nhờ cải tiến trong lâm sàng, đưa tỉ lệ thành công lên đến 46% trường hợp có thai lâm sàng và 53,7% thai sinh hóa (thai có biểu hiện qua xét nghiệm máu và nước tiểu). Chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm ở VN hiện khoảng 50 - 60 triệu đồng, rẻ hơn 4 -5 lần so với các nước khác như Mỹ, Anh, Singapore...

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trước đây điều trị vô sinh ở VN thường tập trung vào phẫu thuật nội soi và bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Tuy nhiên đây là các kỹ thuật gây nhiều biến chứng với tỉ lệ thành công không cao. Gần đây điều trị vô sinh đã có những tiến bộ vượt bậc như kỹ thuật gỡ dính tạo hình loa vòi, nối vòi tử cung bằng vi phẫu hoặc nối qua nội soi. Đặc biệt, các phẫu thuật can thiệp xử lý những sự cố ở buồng tử cung cũng như các kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chọc hút tinh trùng từ mào tinh, trữ lạnh phôi... dẫn đến tỉ lệ thành công cao.

 

Theo Quỳnh Liên – Lan Anh

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm