Bất an chuyện bắt cóc, cưa chân, trộm cắp… tại bệnh viện
(Dân trí) - Tệ nạn nào tồn tại ngoài xã hội thì cũng xuất hiện trong bệnh viện, từ việc bắt cóc trẻ sơ sinh, "cưa" chân bệnh nhân ngay tại phòng bệnh, đuổi đánh bác sĩ đến trộm cắp...
Hội thảo An ninh bệnh viện, thực trạng và giải pháp diễn ra ngày 11/3 tại Hà Nội, do Ban tuyên giáo trung ương phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đều lo ngại cho thực trạng an ninh tại các bệnh viện hiện nay.
Vẫn “rùng mình” vì bắt cóc, cưa chân
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khi “điểm” lại các vụ việc xảy ra tại các bệnh viện trong thời gian qua không khỏi “rùng mình”. Ngay tại bệnh viện mà kẻ gian ngang nhiên trà trộn vào bắt có trẻ em, rồi cưa chân bệnh nhân, truy sát người bệnh, hành hung bác sĩ…
Theo Giáo sư Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, số vụ liên quan đến an ninh bệnh viện ngày càng tăng. Ba hình thức tội phạm chính gồm: Trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Cò mồi, giả danh bắt cóc trẻ em; Gây rối phá hoại tài sản công cộng. Trong đó, bức xúc nhất là tình trạng bắt cóc trẻ em.
Đó là trường hợp đội lốt nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản TƯ (Hà Nội) vào cuối năm 2011. Kẻ gian đã trộm áo nhân viên bệnh viện, trà trộn vào phòng bệnh, đón bé Phạm Xuân Trường với lời nói dối là đưa con đi xét nghiệm và bế thẳng bé về nhà mẹ đẻ ở Bắc Giang.
Và 1 vụ việc tương tự lại xảy ra ở đầu kia của đất nước sau hơn 3 năm (đầu năm 2014) khi bé trai con chị N.T.M.T (41 tuổi, ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) vừa sinh chiều 8/1 thì đến sáng 9/1 đã bị bắt cóc bởi 1 phụ nữ tự xưng là người nhà thai phụ chờ đẻ. Người phụ nữ này đã ngủ cả đêm tại phòng bệnh, mua sữa tặng cho con chị T. và chị T. cũng như nhân viên y tế không mảy may nghi ngờ cho đến khi sự việc xảy ra.
Trước đó, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi ngày 2/1/2014, bệnh nhân Trần Thanh Dung bị chính em ruột dùng dao gọt hoa quả cắt chân ngay tại phòng bệnh BV Xanh-Pôn. Mặc dù có mặt tại hiện trường nhưng điều dưỡng, kíp trực đã bị đối tượng này dùng dao dọa dẫm. Hậu quả, bà Dung đã phải phẫu thuật cắt bỏ phần tổn thương do dao cứa gây ra.
Theo GS Dung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng an ninh bệnh viện còn lỏng lẻo, khiến kẻ gian có thể trà trộn, bắt cóc trẻ em em. “Việc quản lý trẻ sơ sinh chưa được quan tâm đặc biệt, quy trình xuất viện chưa được kiểm soát chặt, dẫn đến không phải người nhà, không có giấy tờ vẫn có thể đưa trẻ ra khỏi bệnh viện. Rồi lượng bác sĩ, bệnh nhân đông, nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện cũng không biết hết nhau….
BV Phụ sản T.Ư tăng cường kiểm soát an ninh trước khi cho trẻ xuất viện. Ảnh: H.HảiTự lo!
Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam gọi bệnh viện là một "xã hội" thu nhỏ, người lương thiện, kẻ xấu cũng đến bệnh viện khám chữa bệnh nên rất phức tạp. Theo GS, để đảm bảo an ninh bệnh viện, chỉ mình bệnh viện tự lo thì không xuể mà cần sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nhận thức của người dân cũng hết sức quan trọng. Chính quyền địa phương hầu như nghĩ công việc trong hàng rào là việc của bệnh viện nên ít quan tâm giúp đỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội đều có đặc thù nằm tại các tuyến giao thông, rồi lực lượng sinh sống nhờ bệnh viện như các đối tượng cò mồi, hàng quán, hàng dong, trông xe tự phát quanh bệnh viện… tập trung rất đông, thêm tình trạng quá tải bệnh viện làm tại bệnh viện rất dễ xảy ra lộn xộn, mất an ninh trật tự.
Hơn nữa, bệnh viện như một xã hội thu nhỏ, tại BV thường xuyên phải khám, cấp cứu là những đối tượng xã hội đen, đến viện trong tình trạng say rượu, phê thuốc… rất dễ bị kich động, đe dọa nhân viên y tế. Như vụ việc tại BV Thanh Nhàn, ngay cả đồng chí giám đốc BV còn bị côn đồ rượt đuổi chém đến trọng thương.
“Để đảm bảo an ninh bệnh viện còn rất nhiều khó khăn, không chỉ là trộm cắp, mất an toàn người bệnh, mà hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện cũng làm cán bộ y tế bất an”, ông Dung nhận định.
Vì thế, hiện nay các bệnh viện mạnh ai nấy lo, đều tự bỏ nguồn kinh phí để thuê các đội vệ sĩ chuyên nghiệp nhằm đảm bảo an ninh bệnh viện. Như tại BV Xanh Pôn, từ khi xảy ra vụ cưa chân bệnh nhân ngay tại phòng bệnh đã tăng cường lực lượng bảo vệ. Tại BV Phụ sản Hà Nội luôn có 16 bảo vệ tham gia tua trực ngày, 8 bảo vệ tham gia tua trực đêm…. Để kịp thời can thiệp, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra.
Còn tại BV Phụ sản TƯ, sau sự cố bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện, BV cũng đã rà soát, thắt thặt các quy trình kiểm tra xuất viện. Theo TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư, các gia đình phải trải qua 2 cửa kiểm tra mới được bế em bé ra khỏi bệnh viện. Nếu ngồi trên ô tô đi ra cổng, từ xe giám đốc đến các xe taxi đều phải mở kính, được kiểm soát của nhân viên bảo vệ.
Bệnh viện cũng lắp 25 camera tại vị trí nhạy cảm, đặc biệt là khoa sơ sinh. Tuy nhiên, vì bệnh viện quá tải, nên việc kiểm soát an ninh rất khó khăn, nhất là vào giờ thăm nom bệnh nhân. Vì thế, bệnh viện cũng tăng cường tuyên truyền cho bệnh nhân, để người bệnh cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên bệnh viện nhưng có những hành vi bất thường.
Bệnh viện cũng tăng cường kiểm soát an ninh bệnh viện bằng lực lượng bảo vệ, vệ sĩ chuyên nghiệp. Tăng cường an ninh, kiểm soát ở các cửa, khoa nhạy cảm. Những khoa có trẻ em đều tăng cường lực lượng bảo vệ. Trên thực tế, mỗi sản phụ sẽ chỉ được phát 1 thẻ người thân, theo đó dù là người thân chăm nom hay vào thăm đều phải có thẻ này mới vào các khoa sản.
“Nội dung về an ninh trật tự bệnh viện cũng là 1 trong 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện. Coi nhiệm vụ bảo vệ người bệnh, an toàn nhân viên y tế không kém với việc đảm bảo chất lượng, chuyên môn trong khám chữa bệnh. Đây cũng là động lực thúc đẩy các bệnh viện tập trung nhiều hơn nữa cho công tác đảm bảo an ninh bệnh viện”, ông Dung nhận định.
Hồng Hải