Báo động "tuổi ăn tuổi lớn" vật lộn với bệnh đái tháo đường

(Dân trí) - Ở lứa tuổi ăn gì cũng ngon miệng, nhưng nhiều trẻ từ 11 - 15 tuổi đã phải bước vào quá trình điều trị, kiểm soát cân nặng vì đái tháo đường týp 2. Vì nếu không được kiểm soát tốt, chỉ 5 năm sau có thể suy giảm thị lực, 10 - 15 năm sau có thể bắt đầu suy thận... do biến chứng của bệnh.

Tại lễ mít ting hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đái tháo đường diễn ra sáng 14/11 tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện cho rằng, tình trạng trẻ em mắc đái tháo đường týp 2 rất đáng báo động.

Bệnh nhân được khám kiểm soát biến chứng của bệnh đái tháo đường tại BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân được khám kiểm soát biến chứng của bệnh đái tháo đường tại BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: H.Hải

Theo TS Dương, căn bệnh trước đây, đến 80 - 90% gặp ở người lớn tuổi, nay lại gặp ở nhóm tuổi thiếu nhi, là một vấn đề đáng lo ngại bởi những biến chứng của đái tháo đường sẽ đến, chỉ có điều đến sớm hay muộn, phụ thuộc vào kiểm soát bệnh, thời gian mắc bệnh.

Ở trẻ em, dấu hiệu đái tháo đường cũng không điển hình, có cháu tự dưng thấy mệt mỏi, sau giờ học thấy sốt, hoặc tình cờ đi khám bệnh thì phát hiện ra bệnh.

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất bị đái tháo đường týp 2 mà BV Nội tiết Trung ương đang giám sát điều trị là em bé 11 tuổi ở Khâm Thiên, và nhiều bệnh nhi khác ở tuổi 13 - 15.

“Đáng nói, bệnh nhi đái tháo đường không chỉ gặp ở Hà Nội, mà có ở Phú Thọ, Thiệu Sơn (Thanh Hóa)… Tình trạng đái tháo đường ngày càng trẻ, không riêng ở Hà Nội”, TS Dương nói.

Trong số bệnh nhi TS Dương điều trị, đến thời điểm này đã có 7 cháu không còn dùng thuốc, thậm chí có cháu đã trải qua 3 năm không phải dùng viên thuốc nào. Từ cậu bé hơn 70kg, nay giảm xuống hơn 50kg, cao đến gần 1m80. Có được thành quả này, đó là bệnh nhi được hướng dẫn điều trị bằng lối sống, tập luyện. Trước đây, bố mẹ muốn trẻ làm gì thì làm, nay bố mẹ phải bỏ thời gian dẫn con đi tập luyện, phải lên thực đơn dinh dưỡng đủ chất cho trẻ.

Vận động giảm, dư thừa năng lượng

Theo TS Dương, tình trạng đái tháo đường ở trẻ em ngày càng tăng lên, do quá trình đô thị hóa, lối sống, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm dư thừa năng lượng trong khi sự vận động ngày càng giảm đi.

TS Dương cho rằng, có một thực tế, đó là trẻ em ngày càng vận động ít, bởi bố mẹ mới chỉ quan tâm làm sao con học giỏi, đỗ đạt này nọ. Việc trẻ phải học quá nhiều, hết chính khóa đến học thêm buổi tối khiến trẻ không có thời gian vận động, rồi tiện gì ăn đấy, từ xôi chả, bánh mì kẹp thịt, kẹp trứng giàu năng lượng, tối về lại học. Rồi các chương trình ti vi quá hấp dẫn trẻ em, rảnh được chút nào trẻ lại ngồi xem ti vi, chơi game, lướt facebook... trẻ lười vận động, năng lượng dư thừa, tích tụ lâu ngày thành thừa cân.

Trong các bệnh nhi đến khám, 100% đều thừa cân nặng. Có trẻ 13 tuổi, nặng 70kg.

Trong khi đó, vấn đề dinh dưỡng của con lại chưa được bố mẹ các bé quan tâm thực sự. Bé thích gì được ăn đấy, từ socola, bimbim, khoai tây chiên… Trong khi ăn một miếng phô mai 100gram, hay 1 gói bim bim, để tiêu thụ được hết năng lượng từ nguồn thực phẩm tưởng như rất nhỏ bé đó, phải đi bộ 20km. "Vấn đề nguy hiểm ở đây là trẻ ăn ít, không no ngay nhưng năng lượng lại lớn”, TS Dương cảnh báo.

Sai lầm trong kiêng khem

TS Dương kêu gọi tất cả cộng đồng, mọi người cần quan tâm đến nguy cơ này, vì sức khỏe, tương lai của trẻ. Bởi đái tháo đường là căn bệnh diễn biến rất âm thầm. Thường ở thời điểm mắc bệnh, gần như 50% tuyến tụy đã bị phá hủy. Nếu không có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý những tế bào tụy còn lại sẽ bị phá hủy, bệnh nhân phải tiêm insulin rất lớn.


Cần tạo cho trẻ thói quen vận động hàng ngày, ra ngoài chạy nhảy, chơi đùa thay vì ngồi xem ti vi, chơi game... để phòng ngừa bệnh béo phì, đái tháo đường. Ảnh: H.Hải

Cần tạo cho trẻ thói quen vận động hàng ngày, ra ngoài chạy nhảy, chơi đùa thay vì ngồi xem ti vi, chơi game... để phòng ngừa bệnh béo phì, đái tháo đường. Ảnh: H.Hải

Nhiều người quan niệm đái tháo đường là phải kiêng khem nhưng ở lứa tuổi đang phát triển, trẻ vẫn cần phải ăn đầy đủ dinh dưỡng để phát triển. Bởi việc kiêng khem sai lầm có thể khiến trẻ khi thoát được đái tháo đường nhưng lại biến thành đứa trẻ suy nhược cơ thể, mắc thêm các bệnh lý khác.

Vì thế, trẻ vẫn cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng chia nhiều bữa nhỏ, giảm dần lượng nhưng vẫn đủ cung cấp năng lượng trong một ngày và tăng cường tập luyện

Ở trẻ em, nên tập luyện theo thói quen, sở thích của trẻ. Có trẻ thích bơi, có cháu thích đá bóng. Quan trọng nhất là vận động trong cuộc sống hàng ngày, đừng để con ngồi “thiền” học bài, xem ti vi vài tiếng đồng hồ. Giữa các tiết học, giữa các quãng nghỉ cần có sự vận động, chơi đùa với bố mẹ. Còn nếu trẻ ngồi học, xem ti vi cả ngày, tối chạy 30 phút không thể bù đắp được sự tiêu hao năng lượng.

Hồng Hải