Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên, nhiều trẻ lập kế hoạch tự tử

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan - Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. Đáng báo động, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, ngoài ra trẻ còn lập kế hoạch tự tử và cố gắng tự tử...

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú. Trầm cảm ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ và hành xử và có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về cảm xúc và thể chất. Bạn có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường và đôi khi bạn có thể cảm thấy như thể cuộc sống không đáng sống.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những yếu tố có tác động đến trầm cảm vị thành niên - BS. Loan cho hay.

Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên, nhiều trẻ lập kế hoạch tự tử - 1

Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ để can thiệp kịp thời. Ảnh minh họa.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên

BS. Loan chỉ rõ các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Nếu bố mẹ bạn, người thân của bạn hoặc chính bạn thấy có một trong các biểu hiện trên hãy đến bệnh viện ngay khi có thể để được sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.

- Cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng

- Giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ

- Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như sở thích hoặc thể thao

- Rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

- Mệt mỏi vì vậy ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng phải nỗ lực rất nhiều

- Giảm sự thèm ăn và giảm cân hoặc ngược lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân

- Lo lắng, kích động hoặc bồn chồn

- Suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung

- Cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội nhiều hoặc tội không đúng

- Khó suy nghĩ, khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ

- Có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử

- Có các vấn đề về cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, tỉ lệ thanh niên và trẻ vị thành niên đến khám và điều trị gia tăng. Trong năm qua, Viện đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.
Các bác sĩ cảnh báo, thanh niên tuổi từ 18-45 bị trầm cảm ngày một gia tăng. Đây thực sự là vấn đề lớn mà xã hội cần quan tâm.
Trong đó theo các bác sĩ, có nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm âm thầm hành xác hoặc tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mà không thông báo cho người thân. Các hệ lụy của trầm cảm ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát.

Theo Lê Nguyễn 

Báo Sức khỏe & Đời sống 

Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên, nhiều trẻ lập kế hoạch tự tử - 2