1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động tình trạng loạn thần do rượu

BS Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 15 - 20 trường hợp bệnh nhân điều trị bệnh rối loạn tâm thần do rượu. Đa phần các bệnh nhân đều là nam giới trong độ tuổi 30 - 50 tuổi.

Việc sử dụng rượu đã trở nên quá mức (lạm dụng) trong cuộc sống sinh hoạt của người dân. Uống rượu thường xuyên gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trong đó có tình trạng loạn thần.

Rối loạn tâm thần xảy ra khi cơ thể không đào thải được các độc tố có trong rượu, sẽ gây ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó gây rối loạn chuyển hóa, làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên của não và khả năng điều khiển hành vi. Ngoài ra, một số người uống rượu thường xuyên, hàng ngày nhưng vì một lý do nào đó khiến họ phải đột ngột ngừng uống cũng sẽ gây loạn thần (hội chứng cai rượu).

Các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít… Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại.

Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân và điều trị loạn thần phải buộc chặt tay, chân để kiểm soát hành vi tấn công người khác.
Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân và điều trị loạn thần phải buộc chặt tay, chân để kiểm soát hành vi tấn công người khác.

Người bị loạn thần do rượu thường có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, nói nhảm, hay xuất hiện ảo giác; thậm chí lên cơn co giật, mê sảng. Trong cơn ảo giác, có thể tấn công bất kỳ ai mà họ nghĩ đang gây hại cho mình hoặc chạy trốn. Đối với trường hợp bệnh nhân chạy trốn thì khi hết cơn hoang tưởng sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Tại bệnh viện đã từng có trường hợp bệnh nhân loạn thần nhảy từ tầng cao bệnh viện xuống sân, thậm chí dùng dao đâm người khác bị thương rồi tự cắt cổ tử vong- BS Huy cho hay.

Các chuyên gia cho biết, khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25% trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang.

Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Nếu uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.

Nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện rất phong phú như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân; bệnh nhân có cảm giác như màng nhện bám mặt, cố lấy tay phủi, xoa mặt…

Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ra hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại. Người bị nghiện hay ghen với hàng xóm, ghen với đồng nhiệp. Hoang tưởng có hành vi tấn công người khác. Đây là dạng bệnh lý hay gặp và có xu hướng gia tăng.

Điều đáng lưu ý, hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu đều không nghĩ mình đang mắc bệnh, vì thế họ thường không hợp tác với các y bác sĩ. Cai nghiện rượu không khó nhưng nguy cơ tái nghiện lại rất cao. Khi vào viện, bệnh nhân sẽ được điều trị giải độc khoảng một tuần tại viện, sau đó được giám sát, theo dõi ở nhà.

Sử dụng các thuốc giảm thèm muốn và gây ghét sợ rượu sẽ giúp bệnh nhân tránh xa rượu. Tuân thủ chặt chẽ phác đồ này trong một năm, bệnh nhân mới cai được.

Khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần,cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện- BS Huy khuyến cáo.

Để không tái nghiện rượu, bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Lê Hà

Sức khỏe & Đời sống