1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động thực phẩm nhiễm bẩn

Rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều nơi không qua kiểm soát thú y.

Ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y, nêu thực trạng đáng báo động: qua kiểm tra, giám sát tổng cộng 735 mẫu các loại thịt trâu, bò, lợn và gia cầm đã phát hiện tới 453 mẫu, tương đương 61,6% không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và VSATTP. Đặc biệt, thịt nhiễm vi sinh có thể gây hại nếu người tiêu dùng không ăn chín uống sôi. Khi thịt nhiễm hóa chất và tồn dư chất kích thích tăng trọng thì mức độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần.

 

Chưa được kiểm soát

 

Báo động thực phẩm nhiễm bẩn - 1

Trần trụi heo bẩn qua các con đường bụi bặm để đến chợ 

 
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đông, một phần bắt nguồn từ việc có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y đang hoạt động trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Dù các địa phương đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, lắp đặt dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại, đảm bảo ATVSTP nhưng nhiều người kinh doanh vẫn “ưa chuộng” các lò mổ thủ công, nhỏ lẻ vì chi phí thấp, lại nằm trong khu dân cư, quãng đường vận chuyển rất gần. Cục Thú y cho biết nhiều cơ sở giết mổ được đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa… nhưng lại hoạt động cầm chừng, hoặc phải ngưng hoạt động vì không có khách hàng. Nghiêm trọng hơn, tại Hà Nội, theo khảo sát của Cục Thú y, gia cầm được bày bán và giết mổ nhiều ở các chợ trong nội thành và không được kiểm soát thú y.

 

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y, hiện có tới 97% trong tổng số 30 ngàn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên cả nước là điểm giết mổ nhỏ lẻ. Số cơ sở hoạt động không có giấy phép rất lớn bất chấp hoạt động giết mổ là loại hình kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy phép. Trong khi đó, lực lượng thú y mới chỉ kiểm soát được 27% số lò mổ.

Theo ông Đông, việc vận chuyển sản phẩm sau giết mổ bằng các phương tiện không được đóng kín, không đảm bảo vệ sinh và ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn kém, kinh doanh thịt không bao gói, không có phương tiện bảo quản lạnh… còn diễn ra khá phổ biến và góp phần làm thịt nhiễm bẩn. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết ngay tại Hà Nội, mặc dù UBND thành phố đã có nhiều quy định siết chặt việc vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm nhưng không khó để bắt gặp cảnh lợn, gà “để truồng” nằm vắt vẻo trên xe máy, 2 chân quệt xuống mặt đường hoặc có thùng chứa nhưng lại chứa đủ thứ thịt, rau củ quả thì việc thịt nhiễm bẩn là đương nhiên.

 

Trách nhiệm thuộc về ngành nông nghiệp

 

Báo động thực phẩm nhiễm bẩn - 2

Cảnh thường thấy ở các lò mổ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng cứ 10 con lợn và gia cầm bày bán trên thị trường thì có tới 6 con không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là thực trạng đáng báo động. Trách nhiệm trước hết thuộc về ngành NN và những cơ quan hữu trách liên quan.

 

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT lưu ý tình trạng “cắt tiết làm lông ở đầu đường xó chợ” đã và đang ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn “ngáng chân” nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của toàn xã hội. Ông Phát yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, chấn chỉnh hoạt động giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm nhằm cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và kiểm soát tốt dịch bệnh.

 

Bộ trưởng Phát yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, lên danh sách và chấm điểm các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Trên cơ sở đó, nếu cơ sở nào đảm bảo thì xếp loại A, cơ sở vi phạm ít xếp vào loại B và cơ sở vi phạm nghiêm trọng xếp loại C. Với cơ sở đạt loại A, mỗi năm sẽ kiểm tra 1 lần, loại B bị kiểm tra 6 tháng/lần. Riêng những cơ sở bị xếp loại C, cơ quan hữu trách ra thời hạn để chủ đơn vị có biện pháp khắc phục, nếu hết thời hạn mà chưa cải thiện được tình hình thì xử phạt thật nặng, thậm chí buộc đóng cửa.

 

Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng sau khi xếp loại các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm, cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành công bố công khai bảng xếp loại này tới đông đảo người dân để người tiêu dùng có căn cứ lựa chọn. Bên cạnh đó, cần phải ra quân một cách đồng loạt và liên tục mới có thể cải thiện được tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thịt nói riêng và các loại nông sản nói chung.

 

Ngoài những biện pháp nêu trên, hiện các tỉnh thành trên cả nước đang nỗ lực xây dựng nhà máy giết mổ tập trung và hiện đại, từng bước giảm tỷ lệ để tiến tới loại bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ. Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND TP, 13 nhà máy giết mổ tập trung trên địa bàn đã và đang được triển khai xây dựng, dự kiến năm 2013 tất cả các nhà máy này sẽ đi vào hoạt động, chấm dứt cơ bản tình trạng giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, thành phố đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ đặc biệt để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy như: giảm 50% tiền thuê đất, hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục bên ngoài hàng rào, hỗ trợ công nghệ xử lý nước thải, cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư của thành phố hoặc nếu vay từ ngân hàng thương mại sẽ được hỗ trợ tới 70% lãi suất. Hiện 5 nhà máy đã được xây xong và đến cuối năm nay thêm 2 nhà máy nữa đi vào hoạt động.

 

Theo Quang Duẩn

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm