1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động người trẻ tự tử gia tăng

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM gần đây ghi nhận có nhiều trường hợp người trẻ tuổi tự tử rất đáng quan tâm.

“Chỉ trong vòng ba ngày, từ ngày 3 đến 5-3, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM tiếp nhận bốn cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ nạn nhân cắt cổ tay , treo cổ tự tử . Đây là điều xảy ra bất thường , rất đáng quan tâm , báo động . Điều cần lưu ý là các trường hợp tự tử đa phần rơi vào độ tuổi rất trẻ, dưới 30 tuổi”. Sáng 6-3, BS Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, Phó Trưởng phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, đã cho biết như trên.

Dọa chết là chết

Tối 5-3, điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM reo vang. Người gọi nói giọng thảng thốt và cho biết địa chỉ nhà ở quận 1, TP.HCM, trong nhà có người treo cổ.

Lập tức tổ cấp cứu tới địa chỉ nói trên. Tuy nhiên, lúc này nạn nhân đã chết vì treo cổ quá lâu. Sau khi thu thập thông tin, tổ cấp cứu ghi nhận nạn nhân treo cổ tên PHT (nam), mới 27 tuổi. “Người nhà cho biết có lẽ T. nợ nần quá nhiều, không khả năng trả nên quẫn trí và tìm đến cái chết” - BS Tuệ nói.

Cũng tối cùng ngày, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận được điện thoại nhờ hỗ trợ một nạn nhân tự cắt cổ tay hiện sống ở quận 7, TP.HCM tên là NTTM (nữ), 31 tuổi. Khi tới nơi, tổ cấp cứu ghi nhận nạn nhân trong tình trạng say rượu, máu từ cổ tay chảy khá nhiều. Sau khi sơ cứu, nạn nhân được chuyển tới BV Nhân dân 115 (TP.HCM) để điều trị. Người nhà cho biết gần đây nạn nhân thường rơi vào trạng thái buồn chán vì chuyện gia đình và nhiều lần dọa tự tử. Không ngờ lời dọa đó lại thành sự thật.

Trước đó, ngày 4-3, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cũng tiếp nhận điện thoại đề nghị hỗ trợ nạn nhân treo cổ tên TLT, chỉ mới 21 tuổi, sống ở quận Tân Phú, TP.HCM. Do nạn nhân treo cổ quá lâu nên không thể cứu. Theo người nhà, trước khi tự tử, T. có biểu hiện chán chường, buồn bã, mất ăn, mất ngủ.

Báo động người trẻ tự tử gia tăng - 1

TS-BS Đinh Vinh Quang đang điều trị cho một bệnh nhân nữ có ý định tự tử. Ảnh: TRẦN NGỌC

Căng thẳng, stress và ý nghĩ tiêu cực

Trước thực trạng người trẻ tuổi tự tìm đến cái chết khá nhiều, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nhận định: “Cuộc sống quá nhiều mối lo, áp lực công việc lại cao khiến nhiều người trẻ tuổi, người chưa thành niên bị stress. Chưa hết, độ tuổi nói trên chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt, giải quyết những trạng thái căng thẳng nên dễ có hành động tiêu cực”.

“Đâu chỉ vậy, người thân không gần gũi, chẳng quan tâm để chia sẻ nỗi lo, nỗi buồn khiến người trẻ tuổi, chưa thành niên dễ đi vào con đường bế tắc” - BS Long nói.

Trong khi đó, TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh tổng quát BV Nhân dân 115, cho biết gần đây bệnh viện này tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 19-30 đã tự tử và luôn có ý định tự tử. “Ngày 5-3, một bệnh nhân nữ mới 20 tuổi được gia đình đưa vào BV Nhân dân 115 do uống thuốc trừ sâu. Nhờ cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân này thoát chết. Người nhà cho biết trước khi tự tử bệnh nhân luôn ngại tiếp xúc người khác, nhớ trước quên sau, hay bồn chồn, lo lắng. Các biểu hiện nói trên chứng tỏ bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng và tự tìm cái chết” - TS Quang giải thích.

Cần quan tâm người thân nhiều hơn

Người thân có những biểu hiện bất thường như mất ngủ kéo dài, buồn bã, có lời nói và hành động tiêu cực (muốn chết) thì gia đình phải đặc biệt quan tâm, cần thiết thì đưa đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh điều trị. Khi người thân thường than vãn công việc khó khăn, môi trường làm việc không thoải mái thì gia đình cần giám sát hành động của người này nhiều hơn. Lưu ý không để người thân lẻ loi một mình vì dễ xảy ra hành vi tự tìm đến cái chết.

TS-BS ĐINH VINH QUANG, Trưởng khoa Nội thần kinh tổng quát BV Nhân dân 115, TP.HCM

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM