Báo động đỏ giữa đêm cứu bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột

Nam Phương

(Dân trí) - Đang nhập viện chờ mổ, người phụ nữ (39 tuổi, Hà Nội) bỗng chuyển nặng giữa đêm, đột ngột mất dần ý thức, ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ trực ngay lập tức bật báo động đỏ, hồi sức tim cho bệnh nhân.

Trước đó, vào cuối tháng 2, chị Minh (39 tuổi, Hà Nội, tên nhân vật đã được thay đổi) thấy mệt, ho nhiều, đau nhức cánh tay trái nên gia đình đưa chị đi khám sức khỏe tổng quát tại một bệnh viện gần nhà. Chị được bác sĩ chẩn đoán bị hở van tim độ vừa và cho uống thuốc 1 tháng, sau đó tái khám.

Uống được nửa tháng chị thấy không đỡ nên đến khám lại tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, chị được chẩn đoán bị hở van hai lá, hở van động mạch chủ nhiều, hở van ba lá nhiều, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tăng áp phổi. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để chờ phẫu thuật.

Tuy nhiên, đang nằm viện chờ phẫu thuật thì bệnh nhân bỗng chuyển biến xấu ngay trong đêm. Khoảng 2h, tua trực phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mất dần ý thức, các bác sĩ trực ngay lập tức bật báo động đỏ, hồi sức tim cho bệnh nhân.

Sau vài phút, bệnh nhân đã có nhịp tim đập trở lại, được chuyển lên phòng Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, vô niệu.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim, viêm phổi, người mệt, ho nhiều, khó thở, tê bì, đau nhức cánh tay trái, gần như không thể đi lại. Đến khi được chuyển vào phòng hồi sức, tình trạng bệnh đã chuyển biến rất nặng, tiên lượng xấu.

Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực cho bệnh nhân như thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt chỉ huy… Bệnh nhân được theo dõi 24/24. Các bác sĩ cũng đánh giá ý thức của bệnh nhân hằng ngày để xem bệnh nhân có tiến triển gì hay không, đồng thời hội chẩn với khoa truyền nhiễm để dùng kháng sinh cho phù hợp.

Báo động đỏ giữa đêm cứu bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột - 1

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền tiến hành ca mổ cho bệnh nhân (Ảnh: T.H).

Theo PGS Hiền, phương án phẫu thuật cho bệnh nhân lúc này chưa đặt ra ngay vì khả năng tổn thương não không hồi phục là cao. Nếu chỉ mổ tim mà bệnh nhân sống thực vật thì việc mổ tim sẽ không có ý nghĩa.

Sau 13 ngày, bệnh nhân đã có dấu hiệu tỉnh lại, tình trạng nhiễm trùng đã dần ổn định, tuy nhiên tình trạng suy tim khó kiểm soát. Bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn để phẫu thuật gấp.

"Khi bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh, chúng tôi quyết định mổ lấy ổ áp xe vòng van động mạch chủ và thay van tim để giải quyết tình trạng nhiễm trùng nặng và suy tim cho bệnh nhân", PGS Hiền nói.

Ca mổ cho bệnh nhân kéo dài hơn 3 tiếng, bệnh nhân được mổ làm sạch ổ áp xe vòng van động mạch chủ, thay van động mạch chủ nhân tạo. Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục một cách thần kỳ sau 13 ngày nằm hồi sức.

PGS Hiền cho biết thêm, với trường hợp này, vấn đề hồi sức đóng vai trò hết sức quan trọng vì kỹ thuật mổ không khó, bệnh viện làm thường xuyên. Tuy nhiên, bệnh nhân hôn mê suốt 13 ngày, nếu hôn mê lâu khả năng tổn thương não không phục hồi là cao.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng trong đó màng trong của tim và các van tim bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng này có thể được gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả của bệnh để lại rất nặng nề như tổn thương các van tim và các ổ di bệnh tại các cơ quan khác.

Báo động đỏ giữa đêm cứu bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột - 2

Bệnh nhân bình phục một cách thần kỳ (Ảnh: T.H).

Các yếu tố gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm người mắc bệnh tim bẩm sinh (như thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van tim bẩm sinh, các dạng tim bẩm sinh phức tạp…), người mắc bệnh cơ tim phì đại, bệnh nhân có tổn thương van tim hoặc van tim nhân tạo hoặc bệnh nhân đã bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trước đó.

Bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn rất khó điều trị, người mắc bệnh này có thể bị tái đi tái lại kể cả khi ra viện.