"Báo động đỏ" cứu sống nhiều bệnh nhi cận kề cửa tử

(Dân trí) - Khi quy trình “báo động đỏ” kích hoạt cũng là lúc bác sĩ chạy đua với tử thần bởi sự sống của bệnh nhân chỉ còn đếm ngược từng phút. Quyết định sống còn ngay trên bàn mổ của bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhi từ cõi chết trở về.

Báo động đỏ tình huống “căng như dây đàn”

Quy trình “báo động đỏ” đang được triển khai tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có ý tưởng từ BS Tăng Chí Thượng, nguyên Giám đốc bệnh viện, hiện đang giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM.

Sau chuyến công tác tại Úc, năm 2008 BS Thượng đã tìm hiểu mô hình huy động nhân lực khẩn cấp, cứu những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch của nước bạn. Từ mô hình trên, ông đã cải biến, áp dụng vào thực tiễn của bệnh viện Nhi Đồng 1 và cho ra đời quy trình báo động đỏ.

yte-2-1441015758210
Cháu bé bị dao bầu đâm thấu sọ được cứu kịp thời nhờ quy trình báo động đỏ

Trao đổi với phòng viên, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, cho hay: Tín hiệu báo động đỏ sẽ được kích hoạt khi những trường hợp gặp chấn thương dẫn tới mất máu cấp gây tổn thương tạng, chấn thương sọ não, bệnh lý tổn thương gây vỡ mạch máu lớn… Sau khi tiếp nhận và đánh giá tình trạng bệnh, căn cứ trên mức độ nguy cấp bệnh nhân gặp phải, đơn vị cấp cứu sẽ kích hoạt quy trình báo động đỏ.

Cùng với việc phát tín hiệu báo động cho khoa Ngoại, Gây mê, Hồi sức, các khoa phòng có liên quan như: Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân kiểm tra nhanh để xác định nhóm máu. Khi nhận được tín hiệu báo động, đồng nghĩa với việc có bệnh nhân rất nặng đang cần can thiệp khẩn cấp, tất cả nhân sự liên quan dù trong tua trực hay đã được ra ca về nhà sẽ phải tức tốc tập trung về phòng mổ hoặc tư vấn, hỗ trợ từ xa. Sau cấp cứu ban đầu, bệnh nhân phải chuyển lên phòng mổ trong thời gian không quá 15 phút, người đầu tiên tiếp nhận là bác sĩ Gây mê, sau đó đến khoa Hồi sức, khoa Ngoại.

Các bác sĩ sẽ phải làm nhiệm vụ xác định độ tuổi, cân nặng của bệnh nhân để chuẩn bị gây mê, khối lượng máu, chẩn đoán ban đầu về tình trạng chấn thương. Có những trường hợp không đủ thời gian thực hiện kiểm tra hình ảnh chụp X-quang, siêu âm thì mọi nhân sự của các khoa phòng phải vạch sẵn trong đầu mình biện pháp để can thiệp cho bệnh nhân, vào phòng là thực hiện cuộc mổ ngay để tận dụng thời gian vàng cho người bệnh.

Trong tình huống có phát sinh ngoài dự kiến các giải pháp sẽ được bác sĩ bàn thảo ngay trên bàn mổ. Đây là kế hoạc cần phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong suốt quá trình mổ, đòi hỏi sự hoàn mỹ của tất cả các nhân sự tham gia ê-kíp bởi chỉ cần một bộ phận gặp trục trặc, cả cuộc mổ sẽ đối mặt với nguy cơ “phá sản”.

Những ca bệnh khẩn nguy được cứu sống

TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Sau 7 năm áp dụng, tính hiệu quả của quy trình báo động đỏ đã được khẳng định, hơn 10 ca bệnh khẩn nguy được các y bác sĩ cứu sống ngoạn mục”.

Năm 2013, bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê-kíp phẫu thuật khẩn cấp để cứu 2 bệnh nhi, ngụ tại quận 5, TPHCM bị một thanh niên điên loạn, dùng dao chém nhiều nhát. Khi vào viện, ruột nạn nhân bị đổ ra ngoài, mạch và huyết áp bằng 0.

Sau 5 giờ phẫu thuật, dù không được các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ kịp nhưng với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm vững vàng các bé đã được bác sĩ cứu sống.

yte-1-1441015758162
Thai nhi văng khỏi bụng mẹ những tưởng khó qua khỏi nhưng đã được bác sĩ can thiệp kịp thời

Mới đây nhất, vào rạng sáng ngày 8/8, khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân là bé sơ sinh 11 ngày tuổi được tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng bị con dao bầu đâm xuyên não, thấu hộp sọ. Cháu đứng trước nguy cơ có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh viện đã quyết định kích hoạt quy trình báo động đỏ.

Chỉ trong vòng 5 phút, các y bác sĩ thuộc các chuyên khoa Phẫu thuật, Gây mê, Hồi sức, Ngoại thần kinh… đã hỏa tốc có mặt tại phòng mổ. Bệnh nhi nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm, chụp hình ảnh và đưa tới phòng mổ nơi các bác sĩ đã sẵn sàng mọi trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật.

Sau 3 giờ giành giật từng hơi thở với tử thần, bác sĩ đã mở hộp sọ, rút thành công lưỡi dao găm sâu 11cm từ hốc mắt trái thấu hộp sọ, xuyên não bệnh nhi, đồng thời giữ lại thị lực mắt trái cho cháu bé.

Sau 20 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã xuất viện đúng ngày đầy tháng giữa niềm vui của thân và y bác sĩ trong tình trạng sức khỏe bình thường như bao bệnh nhi khác.

Chia sẻ thêm về những ca bệnh đã được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, nhớ lại: “Tháng 10 năm 2014, chúng tôi đã, huy động ê-kíp phẫu thuật vào ngày thứ 7 để cứu thai nhi bị xe tải cán, văng khỏi bụng mẹ trên đường đến bệnh viện chuẩn bị cho cuộc vượt cạn.”

Tai nạn xảy ra khiến sản phụ chết tại chỗ, người chồng bị cán cụt chân phải, riêng thai nhi bị cán dập nát chân phải, đa chấn thương. Dù không thể giữ được chân phải cho cháu bé tội nghiệp, nhưng nỗ lực của các bác sĩ đã giúp bệnh nhi vượt qua cơn nguy kịch trở về với gia đình.

Thông tin từ anh Nguyễn Văn Nam (bố bé Nguyễn Quốc Huy) cho hay, hiện bé đang sống khỏe mạnh, có thể tự đứng được bằng 1 chân, dự kiến khi tròn 1 tuổi cháu sẽ được lắp chân giả để tạo thuận lợi khi vận động.

Từ thành công của của Nhi Đồng 1, BS Đào Trung Hiếu cho biết, hiện đã có nhiều bệnh viện đến tham khảo, học tập. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi đơn vị đến tìm hiểu quy trình với hy vọng ngày càng nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa có quy trình báo động đỏ để tận dụng thời gian vàng, cứu những trường hợp khẩn nguy”.

Vân Sơn

Email: vansondantri@gmail.com

 

suckhoe-3550d