Báo động dậy thì sớm ở trẻ em: Mất đến 20cm chiều cao so với chúng bạn

(Dân trí) - Có nhiều trẻ 6-7 tuổi đã có dấu hiệu dậy thì như ngực nở, có kinh nguyệt, mọc râu, vỡ giọng. Trẻ bị dậy thì sớm sẽ thấp đến 12cm chiều cao (với nữ) và 20cm chiều cao (với nam) so với chúng bạn.

6 tuổi đã có kinh nguyệt, ngực nở

Chiều 4/6, chị N.T.V (Hà Đông) đưa con gái 8 tuổi đến BV Nhi Trung ương khám. Chị không khỏi lo lắng vì con bé có ngực nở, dù chưa có kinh nguyệt. Mẹ bé cho biết, con kêu đau ngực từ lâu nhưng do dịch Covid-19 nên trì hoãn mãi mới đưa con đi khám bệnh.

Báo động dậy thì sớm ở trẻ em: Mất đến 20cm chiều cao so với chúng bạn - 1
BS tư vấn cho một trường hợp dậy thì sớm tại BV Nhi Trung ương.

PGS.TS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những trường hợp như cháu bé 8 tuổi này không phải cá biệt. Một trẻ được coi là dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Tuy nhiên, ở khoa đã tiếp nhận điều trị cho những trẻ mới 6-7 tuổi đã có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển.

Báo động dậy thì sớm ở trẻ em: Mất đến 20cm chiều cao so với chúng bạn - 2

PGS.TS Bùi Phương Thảo cho biết, tuổi điều trị tốt nhất ở dậy thì sớm là trước 6 tuổi.

Theo số liệu thống kê,  từ đầu năm đến nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 107 trường hợp trẻ dậy thì sớm đến khám, trong đó, chỉ có 60 - 70% số trẻ được điều trị. Trước đó năm 2019, con số này là gấp đôi. 

PGS Thảo kể về trường hợp bé gái 6 tuổi được điều trị 7 năm trước đó mới tới khám lại. Khi được 6 tuổi, bé được gia đình đưa đến khám với các biểu hiện tuyến vú phát triển, cao lớn hơn các bạn cùng trang lứa. Khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán dậy thì sớm, bé mới 6 tuổi nhưng tuổi xương trẻ đã mức 13 tuổi. Bệnh nhi được điều trị tiêm thuốc 28 ngày một lần đến năm 11 tuổi. Sau khi được điều trị, chiều cao của bé gái này khi trưởng thành đạt gần 1,6m.

Với bệnh nhi 8 tuổi ở Hà Đông, TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, người khám trực tiếp cho biết, cô bé đã có tuyến vú phát triển, cao 1m30. Đặc biệt, tuổi xương của bé đã ở mức 12 tuổi. Trường hợp này nếu gia đình đồng ý điều trị 3 năm liên tiếp, tới 11 tuổi sẽ ngăn được ngực nở, ngăn có kinh nguyệt sớm nhưng chiều cao không còn được cải thiện nhiều, thường chỉ 2-3cm thậm chí chiều cao không cải thiện.

Điều trị tốt nhất trước 6 tuổi

PGS Thảo lưu ý, điều trị dậy thì sớm cho trẻ tốt nhất là ở thời điểm trước 6 tuổi bởi đây là giai đoạn tuổi xương ở trẻ bắt đầu tăng cao. Việc can thiệp điều trị đúng thời điểm này có tác dụng làm chậm quá trình dậy thì, cải thiện chiều cao khi trưởng thành, trẻ đạt chiều cao như chúng bạn.

Còn nếu không điều trị, trẻ mất từ 12cm (ở nữ) đến 20cm (ở nam) so với chúng bạn khi trưởng thành.

Nhưng ở lứa tuổi từ 6-8 trở lên, việc điều trị chỉ đạt mục đích tuyến vú không phát triển, chậm quá trình kinh nguyệt, còn cải thiện chiều cao không được nhiều, thường chỉ 2-3cm, thậm chí có trẻ chiều cao không cải thiện.

"Hơn một nửa số trẻ em mắc bệnh dậy thì sớm đều có chiều cao không quá 150cm. Đặc biệt, ở trẻ dậy thì trung ương, bé gái sẽ có chiều cao thấp hơn 12cm, bé trai thấp hơn 20cm so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành, nếu không được phát hiện và điều trị sớm", PGS Thảo cho hay.

PGS Thảo cho biết thêm, dậy thì sớm trung ương là nhóm thường gặp nhất ở trẻ gái do sự bài tiết quá mức hormone sinh dục từ trên não (hạ đồi - tuyến yên). Tuy nhiên đến 95% trẻ dậy sớm trung ương là vô căn, không tìm ra nguyên nhân. Còn dậy thì sớm ngoại biên ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…

Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm

PGS.TS Bùi Phương Thảo cho hay, nếu trẻ gái có các biểu hiện như: ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt, tăng chiều cao; Ở bé trai, có các dấu hiệu như: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi, tăng chiều cao... .nên cho trẻ đi khám sớm để chẩn đoán dậy thì sớm.

Trẻ sẽ được đánh giá mức độ dậy thì qua đánh giá tuổi xương, siêu âm tử cung buồng trứng, siêu âm thận xem có các khối bất thường hay không. Ngoài ra trẻ còn được tiến hành chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm hormone sinh dục.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đang quản lý hơn 1.000 trường hợp trẻ dậy thì sớm trung ương, trong đó, có hơn 500 trường hợp trẻ được điều trị ức chế phát triển.

PGS Thảo thông tin thêm, tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, cứ có một trẻ nam thì có tới 20 trẻ nữ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nếu trẻ nam dậy thì sớm thì tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn. 

Dù 95% dậy thì sớm ở bé gái là vô căn, nhưng việc theo dõi phát hiện sớm và điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp điều trị kịp thời, trẻ có độ tuổi phát triển như chúng bạn. 

Trẻ béo phì, sớm tiếp cận với những phim của người lớn là những yếu tố dẫn tới trẻ có thể dậy thì sớm.

Hiện nay, bệnh nhân điều trị ức chế dậy sẽ được tiêm liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi có tuổi xương 11-12 tuổi, với liệu trình 28 ngày/một mũi tiêm, với chi phí khoảng 3 triệu đồng.

PGS Thảo lưu ý thêm, hiện thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên các bậc cha mẹ cần lưu ý, trẻ phải có đủ giấy tờ chuyển BHYT đúng tuyến.

Theo quy định của BHYT, khi có giấy chuyển viện điều trị sẽ có giá trị trong 2 lần tiêm. Sau đó, đến lần tiêm thứ 3 lại phải xin chuyển BHYT lại từ đầu. Rất nhiều cha mẹ không biết điều này, lần 3 đến lịch tiêm đến thẳng viện sẽ không được quỹ BHYT chi trả.

Hồng Hải