Báo động 2/3 bệnh nhân hen phế quản lạm dụng thuốc cắt cơn
(Dân trí) - Tại Châu Á hiện có hơn 107 triệu người sống chung với hen phế quản nhưng chỉ có 1/3 bệnh nhân đang được sử dụng thuốc ngừa cơn. Đây là thách thức lớn của mỗi quốc gia trong điều trị bệnh nhân bởi nếu không sử dụng thuốc ngừa cơn, người bệnh sẽ lên nhiều cơn hen cấp, kịch phát và kéo theo những hệ lụy khổng lồ về sức khỏe, kinh tế, thậm chí tước đi tính mạng của người bệnh.
Hệ lụy nguy hiểm khi có cơn hen mới dùng thuốc
Tại Hội nghị thượng đỉnh “Vì lá phổi khỏe” lần 2 năm 2018 mới diễn ra tại Đài Bắc (Đài Loan) do AstraZeneca cùng Phòng thương mại Thụy Điển và Hội đồng Thương mại & Đầu tư Thụy Điển tại Đài Loan tổ chức, chuyên gia nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo tỉ lệ rất lớn bệnh nhân hen phế quản chưa được quản lý vì họ chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có cơn hen.
Bà Lucy Dance, Giám đốc Đối ngoại Chính phủ, AstraZeneca khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện chương trình "Vì Lá Phổi Khỏe” châu Á đánh giá: “Bệnh hô hấp đang trở thành một vấn đề lớn trong khu vực với tỷ lệ tử vong ngày một tăng do mức độ nhận thức thấp về bệnh và công tác quản lý bệnh còn nhiều thách thức.
Riêng ở khu vực Châu Á có đến 107 triệu bệnh nhân hen phế quản, 155 triệu bệnh nhân COPD. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 người bệnh hen đang được điều trị theo đúng phác đồ, đúng cách. Với bệnh COPD còn tồi tệ hơn, khi chỉ khoảng 10% bệnh nhân đến bác sĩ để được điều trị.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức thấp trong cộng đồng. Rất nhiều bệnh nhân không biết rõ về hen và COPD, không cho rằng đây là những bệnh lý mãn tính phải điều trị cả đời mà chỉ điều trị trong các đợt cấp. Ngay cả bác sĩ nếu không phải chuyên ngành cũng không dễ ràng nhận diện được đúng căn bệnh này.
Vì thế, chương trình “Vì lá phổi khỏe” khu vực châu Á là để tạo ra nền tảng hỗ trợ cho sự hợp tác giữa các bên có liên quan, giữa bác sĩ, bệnh nhân, nhân viên y tế, sự tham gia của hệ thống nhà nước… để tạo ra giải pháp đảm bảo mọi người nhận thức được tầm quan trọng của kiểm soát bệnh lý hen và COPD.
GS John Upham (MBBS (Hons) FRACP PhD Fthorsoc), cảnh báo, người bị bệnh hen phế quản đường thở đã co hẹp hơn người bình thường, trong đợt kịch phát các cơ trơn đường thở càng thít chặt, lòng đường thở bị thu hẹp, bóp chặt khiến bệnh nhân không thở được, như một người bị chết đuối trên cạn. Khi cơn hen kịch phát, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Tại Châu Á, không chỉ tỉ lệ hen phế quản đang tăng lên mà căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng phổ biến. Hai căn bệnh này càng gia tăng gánh nặng do nhận thức của cộng đồng về bệnh còn hạn chế.
"Người ta cho rằng hen phế quản là bệnh điều trị cơn cấp, khi có đợt kịch phát mới chạy tới viện còn bình thường không điều trị cơn. Trong khi đó, hen phế quản là căn bệnh mãn tính, cần phải điều trị bằng thuốc ngừa cơn", GS John nói.
Trong số bệnh nhân này, hiện chỉ 1/3 đang được điều trị. Với bệnh COPD còn nghiêm trọng hơn khi chỉ 10% bệnh nhân đến bác sĩ điều trị. Chi phí điều trị cho bệnh nhân hen phế quản không được kiểm soát ngày càng tăng, tỉ lệ tử vong ngày càng tăng.
GS John đưa ra dẫn chứng một nghiên cứu thực hiện tại Singapore cho thấy một bệnh nhân hen phế quản không dùng thuốc ngừa cơn phải nhập viện, chi phí liên quan điều trị của họ cao gấp 3 lần so với mức trung bình của bệnh nhân khác.
"Đáng nói, tại đây có khoảng 12% bệnh nhân hen phế quản nặng nhưng chiếm tới 44% số ca nhập viện, là tỉ lệ rất lớn trong số các chi phí kiểm soát hen".
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 8000 bệnh nhân cũng cho thấy người bệnh chủ quan, quá lạc quan về tình trạng bệnh của mình. Trong số này, có đến 45% được bác sĩ đánh giá không kiểm soát được bệnh nhưng có đến 83% bệnh nhân (trong 45% số bệnh nhân không được kiểm soát) nghĩ bệnh của họ được kiểm soát tốt; 69,9% bệnh nhân nhìn nhận bệnh của họ cũng không nặng như vậy.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, phó trưởng ban điều hành dự án phòng chống hen phế quản và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen, nhưng chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen. Như vậy, cứ 3 người bị hen chỉ có 1 người được kiểm soát dự phòng.
Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế vào năm 2019
Tại Hội nghị thượng đỉnh “Vì Lá Phổi Khỏe” lần 2 đã quy tụ các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia lâm sàng đầu ngành từ 9 quốc gia trong khu vực Châu Á để chia sẻ các tiến triển của chương trình, từ đó xây dựng các phương pháp thực hành tốt cho năm 2019.
Được biết, AstraZeneca đã triển khai chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” Châu Á tại 9 quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách về bệnh hô hấp như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi, đồng thời xây dựng năng lực cho hệ thống y tế để quản lý các bệnh này.
Qua hội nghị quy mô này đã cập nhật được nhiều kết quả tích cực của chương trình, theo đó trong khu vực Châu Á đã giúp 75.000 bệnh nhân được chẩn đoán sớm bệnh hô hấp. Góp phần tăng cường năng lực chuyên môn cho hơn 6.000 cán bộ y tế và hỗ trợ cập nhật hoặc xây dựng 5 khuyến cáo và hướng dẫn điều trị bệnh.
Riêng tại Việt Nam, chương trình đã tổ chức khám cho 1.660 bệnh nhân, chẩn đoán cho 806 bệnh nhân mới. Tổ chức 45 buổi họp về chủ đề lạm dụng thuốc cắt cơn (SABA) cho 3.000 cán bộ y tế, góp phần nâng cao nhận thức đúng về bệnh Hen và COPD cho 7.415 bệnh nhân tại 85 câu lạc bộ bệnh nhân.
Hỗ trợ đào tạo và cấp chứng nhận cho 19 bác sĩ đa khoa về chẩn đoán, điều trị và quản lý Hen và COPD. Xây dựng 19 phòng khí dung, tài trợ 492 máy khí dung cho 107 bệnh viện
Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” là hoạt động hợp tác giữa AstraZeneca, Chính phủ các nước trong đó có Việt Nam và các tổ chức chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức đúng cho các bệnh hô hấp như Hen, COPD và ung thư phổi, xây dựng năng lực cho hệ thống y tế nhằm quản lý điều trị tốt nhóm bệnh này ở mỗi nước.
Bước sang năm 2019, các hoạt động sẽ được tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng của chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe”để mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân hơn.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM nhận định: “Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” đã bước đầu thể hiện vai trò nền tảng trong cải thiện quản lý bệnh hô hấp một cách toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả. Chương trình đã đi đầu trong việc hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh hen và COPD, giúp tăng đáng kể hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ lên cơn cấp cho bệnh nhân, bớt đi gánh nặng kinh tế y tế, cũng như sử dụng tối ưu nguồn lực bảo hiểm.
Các hoạt động "Vì lá phổi khỏe" trong khu vực Châu Á đã hỗ trợ giáo dục cho 22 ngàn bác sĩ, 24 nghìn bệnh nhân, đưa ra 15 hướng dẫn ở các quốc gia….Tại Việt Nam, chương trình "Vì lá phổi khỏe" tổ chức rất nhiều các đơn vị trong đó có hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng.
PGS Tuyết Lan chia sẻ thêm về dữ liệu quản lý bệnh nhân COPD tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, tuy vẫn có những giới hạn về bảo hiểu, nhưng khi câu lạc bộ bệnh nhân đi vào hoạt động, đo lường hiệu quả quản lý COPD trong điều trị ngoại trú cho thấy, trong 100 bệnh nhân dù chưa được điều trị tối ưu nhưng giảm được 43 đợt cấp, tiếp kiệm được 166 nghìn đô/năm. 89% bệnh nhân lúc đầu không kiểm soát được bệnh, nhưng sau 1 năm đã có 1/3 bệnh nhân được kiểm soát tốt.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu thông tin thêm: “Tiêu chí Đơn vị quản lý hen phế quản và BPTNMT được Bộ Y Tế ban hành tháng 9 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của chương trình Vì Lá Phổi Khỏe tại Việt Nam. Ở giai đoạn 2019, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đối tác trong công tác triển khai, đồng thời đánh giá kết quả của chương trình này làm cơ sở đề xuất với Bộ Y Tế những biện pháp nhằm đạt hiệu quả bền vững.”
GS.TS Ngô Quý Châu cho biết, trong năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị khoa học thường niên của Hội Hô hấp châu Á Thái Bình Dương từ ngày 14 - 17/11/ 2019 tại Hà Nội. Đây là cơ hội lớn để các thầy thuốc VN tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, tiếp cận những kiến thức y khoa mới nhất và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trên thế giới, giúp cập nhật phương pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân hô hấp tại Việt Nam.
Hồng Hải