Bánh chưng xanh nhờ... pin?

Cận tết, những khu vực bán bánh chưng, bánh tét tại nhiều nơi ở TPHCM trông bắt mắt: từng chồng bánh chưng xanh mướt lá đập vào mắt người đi đường. Làm thế nào mà lá lại xanh thế? Và bất ngờ, một chủ cửa hàng bán bánh bật mí: “Nếu không bỏ hóa chất hay pin vào nồi bánh thì lá khó có thể xanh như vậy được”.

"Thích thì chiều"

 

Bà chủ cửa hàng bán bánh ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết: “Chúng tôi nấu bánh công phu lắm cũng chỉ xanh vừa vừa. Cách làm xanh lá của gia đình tôi là sau khi vớt bánh tháo bớt lớp lá ngoài ra, gói lại bằng lá mới phơi héo héo, cột dây hấp sơ lại”. Một người bán hàng trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 cho biết: “Tôi có nghe nói người bán bánh chưng bỏ pin vào nồi bánh cho lá xanh, nhanh chín và làm nếp trong”.

 

Nhiều cửa hàng tại TPHCM bán bánh chưng từ miền Bắc, Đồng Nai chuyển vào. Hầu hết người bán đều không dám khẳng định có thêm hóa chất gì được bỏ vào trong lúc nấu hay không.

 

Chủ một điểm bán bánh trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình cũng khẳng định không cho thêm chất độc hại nào trong quá trình nấu. “Nhưng nếu chị có nhu cầu đặt hàng đẹp để bán lại cho khách thì tụi tôi sẵn sàng chiều lòng và cho một cục pin vào để lá thêm xanh”, người chủ tiệm ỡm ờ.

 

Một chủ bánh khu vực chợ Bà Chiểu thật thà cho biết có bà chị nấu bánh ở Hóc Môn chuyên nấu bánh chưng, bánh tét bỏ bánh bán tại một số chợ nhỏ chỉ mẹo bằng cách bỏ... phèn chua vào cho bánh... rền khi sắp vớt(?). Một vài quầy bán bánh chưng ở các tuyến đường nhánh thuộc quận 3, Bình Thạnh thừa nhận ngày xưa khi vớt bánh có bỏ hàn the cho săn bánh, nhưng bây giờ... hết rồi.

 

Có pin, bánh mau chín, lá xanh lâu?

 

Việc cho pin để bánh chưng xanh, nhanh chín và trong hơn có đúng không? Thạc sĩ Trần Thị Thu Trà, khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Bách khoa TPHCM, giải thích: môi trường chính của pin là kiềm. Trong môi trường kiềm, màu xanh chlorophyll của lá chuyển thành màu xanh đậm của chlorophyllin nên làm lá xanh hơn (người ta vẫn ứng dụng điều này bằng cách khi luộc rau đậu cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh rau đậu). Cũng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn (cũng như khi nấu chè, người ta cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 nhằm làm đậu mau mềm). Đồng thời, môi trường kiềm tạo độ trong cho sản phẩm (tương tự khi làm bánh tro, ngâm nếp trong nước tro là môi trường kiềm nên bánh tro có độ trong). Như vậy, thực chất của vấn đề cho pin vào nước luộc chỉ là tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh lá, bánh mau chín và nếp trong.

 

Tác hại

 

Thạc sĩ Trần Thị Thu Trà cũng cho biết: các chất từ pin chủ yếu là kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và thạch tín (As)... Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Đặc biệt, chì là mối nguy hại với trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì làm giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ. Một số đánh giá của các nhà khoa học cho thấy cứ 10mg/dl tăng về chì trong máu sẽ gây giảm 1-5 điểm IQ đối với trẻ em bị nhiễm chì. Nhiễm chì làm hệ thần kinh luôn căng thẳng và rối loạn tập trung chú ý ở trẻ em từ 7-11 tuổi. Ở tuổi trung niên, nhiễm độc chì sẽ làm huyết áp tăng gây nhiều rủi ro về các bệnh tim mạch. Việc nhiễm chì mặc dù ở mức thấp cũng sẽ bị ngộ độc cao.

 

Cadmium rất nguy hiểm, chỉ cần một lượng 30-40g cũng đủ gây chết người. Do lượng cadmium thải ra khỏi cơ thể con người rất chậm (0,1% trong một ngày đêm) nên dễ diễn ra quá trình ngộ độc mãn tính. Những triệu chứng sớm nhất của nó là tổn thương ở thận và hệ thần kinh, có albumin trong nước tiểu, rối loạn chức năng các cơ quan sinh dục, sau đó thấy đau dữ dội ở xương sống lưng và xương. Điển hình là rối loạn các chức năng phổi. Cadmium cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư.

 

Còn thủy ngân đi vào não và gây hư hỏng nhiều cấu trúc bao myeline của dây thần kinh. Nó làm giảm khả năng trí tuệ cũng như rối loạn tính tình và thái độ, đồng thời làm suy yếu miễn dịch. Ngộ độc cấp tính thạch tín gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, bí tiểu và có thể dẫn đến tử vong. Ngộ độc mãn tính da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày ruột, đau tai, đau mắt...

 

Dù ở hàm lượng nhiều hay ít, người nấu bánh tuyệt đối không nên cho pin vào bởi pin là sản phẩm công nghiệp, không phải sản phẩm thực phẩm nên hóa chất làm pin không tuân theo các tiêu chuẩn sản phẩm dành cho thực phẩm, thạc sĩ Trà khẳng định.

 

Theo Yến Trinh – Võ Hương

Tuổi trẻ