Bàn ghế... sai tiêu chuẩn - Bệnh học đường gia tăng

(Dân trí) – Theo thống kê của Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, hiện có tới hơn 50% học sinh tiể học và hơn 70% học sinh lớp 8, 9 phải sử dụng bàn ghế kích cỡ không phù hợp. Đây là nguyên nhân gây các bệnh học đường thậm chí cả bệnh xơ hoá cơ delta như ý kiến của TS Lê Anh Dũng - GĐ Cty Thiết bị trường học Việt Nam.

Độ chênh lớn - Bệnh học đường tăng

 

Theo kết quả khảo sát của Cty này ở 2 trường tiểu học và THCS xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nơi có gần 150 ca bị bệnh teo cơ Delta) cho thấy độ chênh chiều cao giữa bàn và ghế là 28cm - 33cm (theo tiêu chuẩn Việt Nam độ chênh tối đa là 23cm).  

 

Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đức Thu, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng các cộng sự về ảnh hưởng của bàn ghế tại 6 trường tiểu học, THCS và THPT ở huyện Sớc Sơn và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội):

 

- 30,8% học sinh bị biến dạng cột sống; trong đó 13,5% bị cong vẹo theo dáng chữ C thuận, 7,6% bị cong vẹo hình chữ C ngược, 13% hình chữ S thuận, 1,1% hình chữ S ngược và 6% bị gù.

 

- Tỷ lệ học sinh bị gù tăng dần lên theo từng cấp học: 2% bị gù ở học sinh tiểu học, 4% ở THCS và 6,2% ở THPT (khu vực nội thành).

 

Tỷ lệ học sinh bị gù ở ngoại thành cao gấp 2 lần nội thành.

 

- Tình trạng học sinh bị cong vẹo cột sống ở cấp tiểu học là 27,1%; cấp THCS chiếm 23,8%; THPT chiếm 23,6%.

 

Theo số liệu điều tra này, học sinh học càng nhiều tỷ lệ bị cong vẹo cột sống càng cao.

Đối với học sinh tiểu học, mặt bàn phải đảm bảo nghiêng 15 độ nhưng nhiều trường đóng bàn ngang để tận dụng làm giường ngủ trưa cho học sinh bán trú.

 

Ngoài ra, hầu hết các trường đều có toàn bộ bàn ghế một kích thước, trong khi học sinh cần năm loại kích thước, phù hợp năm nhóm chiều cao từ 1m tới 1,55m trở lên.

 

Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, độ chênh lệch giữa bàn và ghế quá lớn sẽ khiến cho xương bả vai bị chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh, dẫn tới xơ hóa cơ delta và làm gia tăng bệnh học đường (như gù, vẹo cột sống, cận thị…),ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục.

 

Bao giờ có tiêu chuẩn bàn ghế thống nhất?

 

Theo TS Luyến, có một thực tế là hiện nước ta vẫn áp dụng 2 văn bản tiêu chuẩn về bàn ghế học sinh được ban hành từ năm 1975. Những quy định chiều dài và chiều rộng của mặt bàn, mặt ghế quá hẹp đã trở nên lỗi thời so với yêu cầu triển khai các phương pháp dạy học và cũng không phù hợp với tầm vóc của học sinh hiện nay.

 

TS Luyến kết luận: Thực trạng “chuẩn bàn ghế học sinh - Ai quản?” chẳng biết bắt đầu từ đâu và cũng chẳng biết đến khi nào mới kết thúc. Có rất nhiều cơ quan tham gia nghiên cứu chuẩn bàn ghế học sinh, nhưng vẫn chưa có một chuẩn thống nhất được đưa ra. 

 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần nhanh chóng thống nhất các quan điểm và sẽ có một cơ quan chịu  trách nhiệm quản lý và hướng dẫn việc thực thi. Khi đó, mới có thể đảm bảo chuẩn bàn ghế học sinh được thực hiện thống nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập.   

Hồng Sam